Ngoài trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, hầu hết các nhà tuyển dụng đều ưu tiên các ứng viên có nhiều “kỹ năng mềm”. Dưới đây là 10 kỹ năng mà bạn nên cải thiện nếu muốn được thăng tiến nhanh chóng trong sự nghiệp.

1. Kỹ năng giao tiếp

Giao tiếp giỏi không có nghĩa là bạn phải là một nhà hùng biện xuất sắc hoặc nhà văn tuyệt vời. Nó cũng không có nghĩa là bạn buộc phải thể hiện bản thân mình thật tốt trước mặt người khác. Kỹ năng giao tiếp được thể hiện ở việc bạn thuyết phục người khác như thế nào và kết quả ra sao? Hãy nhớ, giao tiếp cũng giống như việc bạn viết một bản báo cáo cũng cần có sự thống nhất, yếu tố thuyết phục về nội dung và một phong thái bình tĩnh, tự tin khi thể hiện từ trang phục, đầu tóc đến bước đi và cách bạn chuyện trò với những người xung quanh. Thêm nữa, luôn kiên nhẫn giải thích cho các thành viên khác trong nhóm làm việc cũng là cách bạn đang rèn luyện kỹ năng giao tiếp của bản thân.

2. Khả năng thích ứng

Khả năng thích ứng là kỹ năng đặc biệt quan trọng đối với những người muốn đạt đến trình độ chuyên nghiệp. Khi bạn làm việc chuyên nghiệp, bạn có thể dễ dàng thích ứng với mọi điều kiện môi trường cũng như mọi sự thay đổi của công việc. Để thành công trong bất kì tổ chức nào, bạn cũng cần phải có niềm đam mê, chí cầu tiến và không ngừng phát triển các kỹ năng để có thể thích ứng được với các nhu cầu khác nhau của tổ chức.

3. Hợp tác và làm việc theo nhóm

Bạn không thể lúc nào cũng làm việc một mình, dù ở bất kì môi trường làm việc nào cũng sẽ có lúc phải làm việc nhóm. Điều kiện cần để làm việc nhóm là bạn phải biết cách kết hợp hài hoà với các thành viên trong đội để có được kết quả cuối cùng tốt nhất. Vậy kỹ năng làm việc nhóm rất cần thiết cho quá trình thăng tiến của bạn, khi làm việc nhóm cũng là cơ hội để bạn thể hiện năng lực, sự nhiệt tình của bản thân trong công việc chung. Để hợp tác và làm việc nhóm thành công bạn cần dựa trên nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng và thống nhất.

4. Kỹ năng giải quyết vấn đề

Trong công việc hằng ngày, khi có một vấn đề nào đó xảy ra, chắc hẳn bạn thường phân vân không biết giải quyết theo hướng nào. Cũng có khi bạn thấy mệt mỏi và bị stress vì cứ phải gặp những vấn đề lặp đi lặp lại, từ những vụ việc đơn giản đến phức tạp. Nếu bạn đã và đang trong hoàn cảnh vừa nêu, thì đã đến lúc bạn phải nhìn lại mình và hãy trang bị cho mình kỹ năng giải quyết vấn đề cần thiết.

Hãy cố gắng đơn giản hóa vấn đề bằng cách nhìn vào bức tranh toàn cảnh và loại bỏ những chi tiết vụn vặn. Tìm kiếm giải pháp đơn giản, rõ ràng và bạn có thể ngạc nhiên trước kết quả đạt được.

5. Tự tin, năng động và biết lôi kéo người khác

Đây là ba yếu tố bạn cần phải có trên con đường chinh phục thành công. Một người tự tin sẽ luôn có những mục tiêu rõ ràng cho cuộc đời mình. Năng động sẽ giúp chúng ta có nhiều mối quan hệ và luôn được đánh giá cao. Khi là người tự tin, năng động bạn cũng cần phải thể hiện được khả năng chinh phục, lãnh đạo của bản thân đó là lôi kéo người khác đứng về phía mình, làm theo kế hoạch của mình.

6. Kỹ năng khám phá và lãnh đạo bản thân

Người Việt Nam chúng ta thường có tâm lí không tự tin cho dù vấn đề đó bạn có thể làm được, thậm chí là làm rất tốt. Đừng bao giờ nghĩ mình kém cỏi, hãy thử đảm nhận nhiệm vụ và bắt tay vào làm. Biết đâu bạn sẽ khám phá ra mình có khả năng nào đó mà từ trước tới nay không hề biết. Tuy nhiên, khi làm việc gì bạn cũng cần phải nắm rõ được mục đích cuối cùng và lãnh đạo bản thân để không bị bỏ cuộc giữa chừng hoặc đi quá xa so với yêu cầu của công việc. Hãy biết dừng lại đúng lúc nhé.

7. Kỹ năng tổ chức công việc và quản lí thời gian

Thời gian là vàng, một giây trôi đi là mất đi mãi mãi, vì vậy hãy sắp xếp công việc một cách khoa học nhất và xác định thời gian cụ thể thực hiện công việc đó. Bạn cần phải biết việc cần làm của mình là gì? Thứ tự ưu tiên nhiệm vụ để sử dụng thời gian của mình một cách khôn ngoan. Như vậy, công việc của bạn sẽ ngày càng đạt năng suất cao hơn.

8. Giải quyết mâu thuẫn

Khả năng thuyết phục, thương lượng và giải quyết mâu thuẫn là điều quan trọng nếu bạn muốn thăng tiến trên con đường sự nghiệp của mình. Bạn cần phải có những kỹ năng để phát triển các mối quan hệ có lợi cho công ty, thuyết phục khách hàng, thương lượng các phương án hợp lí và giải quyết các mâu thuẫn cá nhân,… Khi bạn có thể giải quyết các mâu thuẫn đồng nghĩa với việc bạn đang rèn luyện dần tố chất quản lí, giúp dung hòa các mối quan hệ. Điều này góp phần không nhỏ vào thành công sau này của bạn.

9. Sáng tạo trong công việc

Không ai dạy bạn cách sáng tạo trong công việc, nếu có chỉ là hướng dẫn bạn nên làm như thế nào để công việc đạt hiệu quả cao nhất. Vậy nên kỹ năng sáng tạo trong công việc là do chính bản thân bạn nắm bắt và khơi nguồn. Một công việc quen thuộc, làm hàng ngày theo một cách rập khuôn chỉ mang lại cho bạn kết quả như những lần trước. Hãy thử tìm cách khác để thực hiện công việc đó nhanh hơn, sáng tạo hơn và cho kết quả tốt hơn.

10. Kỹ năng đặt mục tiêu

Đây là một kỹ năng không thể thiếu đối với sự thành công của mỗi người. Không có mục tiêu nghĩa là bạn đang trên con đường không có điểm dừng. Do vậy, điều kiện đầu tiên để thành công là phải có đích đến, đó chính là mục tiêu. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đặt và thực hiện được mục tiêu như mong muốn. kỹ năng đặt mục tiêu vô cùng quan trọng, nó là tiền đề cho những bước tiếp theo của bạn.

Với những người quản lý, cần những kỹ năng sau để thành công vượt bậc:

Không ngừng tự hoàn thiện mình

Mọi thứ xung quanh bạn đều không ngừng vận động, và phát triển. Bạn không thể cứ giậm chân tại chỗ, bằng lòng với hiện tại. Nếu bạn là một nhân viên, thì rất có thể bạn sẽ không bao giờ lên được vị trí cấp cao hơn. Đặc biệt, nếu bạn là một người quản lý, thì đội ngũ của bạn sẽ chẳng tạo ra được điều gì đột phá, và thậm chí “chiếc ghế” của bạn sẽ lung lay theo thời gian.

Bạn không nên cảm thấy thỏa mãn với hiện tại, và phải biết cố gắng phấn đấu từng ngày. Bạn cần biết đặt ra các “tiêu chuẩn cao nhất” cho mọi kết quả công việc. Đấy chính là điều tạo nên một nhà lãnh đạo xuất sắc.

Biết trân trọng mọi thứ

Bạn có thể là người dẫn lối cho tập thể bước đến thành công, nhưng bạn sẽ chẳng làm được gì nếu thiếu vắng đi một tập thể nhiệt huyết bên cạnh. Thành công không thuộc về cá nhân, nên một người quản lý tốt phải biết bày tỏ lòng biết ơn và sự trân trọng với nhân viên của mình.

Hãy tuyên dương một cá nhân xuất sắc nào đó trước mặt mọi người, gửi thư điện tử đến tất cả nhân viên trong ngày kỉ niệm thành lập doanh nghiệp, tổ chức những sự kiện, chương trình nhằm tri ân công đóng góp to lớn của mọi người. Thông qua những hành động như vậy, bạn sẽ nhận được sự tôn trọng và quý mến từ nhân viên. Tinh thần đoàn kết tập thể cũng từ đó được nâng cao và ngày một mạnh mẽ hơn.

Luôn có một tinh thần lạc quan

Bạn muốn đến công ty với bộ mặt rầu rĩ, tâm trạng chán chường vì những vấn đề trong công việc, cuộc sống? Chắc chắn những nhà quản lý ưu tú không bao giờ làm điều này. Một nhà quản lý ưu tú cần phải giữ vững một tâm thế bình tĩnh, lạc quan trước mọi sự việc khó khăn.

Nhân viên của bạn sẽ luôn cảm thấy rất áp lực, và bản thân bạn cũng không hề thoải mái nếu môi trường làm việc nặng nề, căng thẳng. Một nhà quản lý giỏi phải biết truyền động lực cho nhân viên, và luôn tạo ra bầu không khí thoải mái, ôn hòa. Từ đó, mọi người sẽ có thể phát huy hết năng suất làm việc, và đội ngũ của bạn sẽ từng bước vượt qua những khó khăn.

Trở thành một quản lý xuất sắc không phải chuyện “một sớm một chiều”

Ngày một ngày hai không thể biến bạn trở thành một nhà quản lý tài ba. Bạn cần thời gian để rèn luyện và học hỏi kinh nghiệm. Trở thành một quản lý giỏi khó khăn hơn rất nhiều so với việc chỉ làm một nhân viên tốt. Những điều nêu ra trong bài viết không hoàn toàn hội đủ tất cả yêu cầu của một nhà quản lý xuất chúng. Tuy nhiên, nếu bạn muốn trở thành một người đủ khả năng “đứng đầu ngọn sóng” thì bạn cần phải có các điều trên.

Tags

Leave us a Reply