Dù là sếp khó tính đến đâu cũng sẽ quý và trân trọng nhân viên với 3 tố chất sau:
 

Hashtag #ngừng_đổ_lỗi

  
Tinh thần trách nhiệm, chứ không phải kiến thức hay kỹ năng là thứ mà sếp đánh giá cao nhất ở một nhân viên. Vì kiến thức có thể nâng cao, kỹ năng có thể trang bị còn tinh thần trách nhiệm là thuộc về bản chất, nói không ngoa thì người không có trách nhiệm sẽ không bao giờ thành công được.
  
Trách nhiệm thể hiện rõ khi bạn mắc phải sai lầm. Ai cũng có lúc phải dính phốt, thậm chí với người giỏi giang nhất như trễ deadline, làm không đúng, xử lý vấn đề không tốt, bị đồng nghiệp đối tác phàn nàn… Khi có vấn đề gì xảy ra, mặc dù là lý do chủ quan hay khách quan, nếu bạn cứ ngồi đó với một mớ những “tại, bị…” thì sếp chỉ nhìn bạn như một đứa trẻ hay khóc lóc và đổ thừa. Thay vào đó, hãy dũng cảm nhận lãnh trách nhiệm bằng một lời đơn giản “Em đã sai, em xin lỗi. Em sẽ giải quyết bằng cách ABC và hứa sẽ không để chuyện này lặp lại”. Bằng lời nói này cũng với thái độ bình tĩnh vươn vai, bạn sẽ khiến sếp nể phục và tin tưởng, và nếu giải quyết hậu quả gọn gàng cùng với việc cải thiện rõ rệt, sếp sẽ mau chóng quên đi lỗi lầm năm xưa mà nhìn nhận bạn như một nhân viên tích cực, biết nhận lỗi và sửa lỗi.

  

Hashtag #đừng_sợ_sếp

  
Nhiều bạn rất giỏi, rất thông minh, nhưng lại bị mắc bệnh “cà cuống” khi gặp sếp. Một kế hoạch hoàn hảo hoặc vấn đề bạn nắm chắc trong lòng bàn tay, tuy nhiên khi gặp sếp thì mọi tự tin biến đi đâu mất, bạn lúng túng, ấp úng và sợ hãi, sếp hỏi lại vài câu bạn căng thẳng đến mức đơ ra, hình ảnh trong mắt sếp lại tuột dốc thảm hại. Đây là một dạng bệnh tâm lý, và hãy yên tâm vì có nhiều người cũng như bạn. Điều này xuất phát từ tiềm thức coi sếp là một người rất vĩ đại, có quyền sinh sát mình nên sinh ra nỗi sợ hãi mơ hồ như sợ nói sai, bị sếp đánh giá, tệ hơn sẽ bị đuổi việc (!?). Nỗi sợ này thường gặp ở các bạn mới đi làm, khi phải trao đổi với các sếp đặc biệt là cấp càng cao thì nỗi sợ càng tăng. Một vài lời khuyên để bạn vượt qua:
  
– Tự nhủ rằng không có gì phải sợ vì sếp cũng là một nhân viên như mình, chẳng qua là được trả lương cao hơn thôi (^^). Điều này giúp nhìn nhận bạn và sếp với vai trò ngang nhau, thiết lập lại sự cân bằng trong mối quan hệ.
– Chuẩn bị kỹ càng nội dung cần trao đổi, nếu được hãy tập trình bày trước gương hay nhờ người khác làm khán giả. Việc chuẩn bị kỹ giúp tăng sự tự tin rằng sếp hỏi xoáy cỡ nào ta cũng sẽ đáp xoay được, nên không việc gì phải lo lắng.
– Thiết lập mối quan hệ thân thiết với sếp. Trừ rất ít sếp có vẻ lạnh lùng băng giá, các sếp thông thường đều được train về kỹ năng leadership, trong đó việc tạo môi trường làm việc thân thiện rất được đề cao. Vì thế bạn đừng ngại ngần small talk với sếp lúc rảnh rỗi, mỗi ngày một vài câu dần dà giữa bạn và sếp sẽ trở nên thân thiện hơn, vì thế sẽ dễ trao đổi hơn.
– Dù trước đó có hay bị sếp la mắng nhưng cũng đừng tự kỷ ám thị kiểu sếp ghét mình, sếp chê mình. Bạn cứ yên tâm, sếp trăm công nghìn việc sẽ không nhớ nổi mình đã từng la ai về việc gì đâu. Tất nhiên nếu đó là những việc nhỏ, còn đối với sự vụ lớn thì bạn lại càng phải đối mặt để hóa giải xâu “mía ghim” trong lòng sếp, đúng không nào?
  

Hashtag #luôn_chủ_động

  
“Tích cực”, “chủ động”, “năng động” và “cầu tiến” là những mỹ từ hầu như có mặt trong 90% CV. Tuy nhiên, bạn có thường xuyên thực hiện những việc đơn giản này chưa?
  
– Mạnh dạn hỏi lại sếp khi không hiểu. Tuy nhiên, khi hỏi thì nên dùng những câu thông minh như “Em hiểu thế này có đúng không/Vậy vướng mắc hiện tại bây giờ là…, cách giải quyết tốt nhất là…, cho nên em sẽ…, có đúng không sếp!”. Đừng phũ đến mức để sếp nói cạn nước bọt xong hỏi lại “em hiểu chưa” lại thỏ thẻ là “dạ chưa”, hoặc tệ hơn là gật gù xong rồi lại làm sai be bét.
– Thông báo với sếp tiến độ công việc, nếu có vướng mắc phải báo ngay. Đừng đợi để sát deadline hay sếp hỏi đến mới dám nói, khi đó sẽ trở tay không kịp. Nhiều bạn thậm chí đến ngày deadline mà chưa hoàn thành nhưng không thấy sếp nhắc cũng lờ lớ lơ luôn, thầm mong sếp quên. Nguyên tắc tối quan trọng là bạn phải tôn trọng cam kết của mình, khi đó mới tạo dựng uy tín để được giao những trọng trách khác.
– Mỗi khi làm xong công việc được giao, hỏi nhẹ thêm một câu “sếp còn cần gì nữa không?”, bảo đảm sếp bạn sẽ rưng rưng xúc động.
– Không “đi mây về gió”, đặc biệt trường hợp nghĩ sếp ở xa khó quản lý nên đi trễ về sớm, nghỉ không lý do. Điều này là tối kị vì một khi sếp biết được sẽ nghĩ rằng bạn không tôn trọng sếp, thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp. Nguyên tắc cơ bản phải thuộc nằm lòng là khi nghỉ phải báo, trừ trường hợp bất khả kháng như ốm đau, tai nạn, còn không bạn nghỉ phép một ngày hay một tuần thì phải báo trước cho sếp kèm theo phân công back up công việc rõ ràng. Sếp đâu muốn thông báo với cả team rằng chúng ta có một project quan trọng mà bạn lại ớ ra “sếp ơi tối nay em lên máy bay rồi” đúng không.
  
Tóm lại, để thành công trong công việc ngoài trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng, bên cạnh đó cũng cần biết một số quy tắc ứng xử để trở thành một cánh tay đắc lực của sếp, đó là:
   – Chủ động nhận lãnh trách nhiệm
   – Tự tin thể hiện mình
   – Thái độ làm việc chủ động
  

Tags

Leave us a Reply