PHƯƠNG PHÁP TÀI SẢN RÒNG
Theo phương pháp này, giá trị thực tế của doanh nghiệp cổ phần hóa là giá trị toàn bộ tài sản hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm cổ phần hóa có tính đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp mà người mua, người bán cổ phần để chấp nhận được.
Nguyên tắc định giá:
Theo phương pháp tài sản ròng thì giá trị của một doanh nghiệp bằng tổng giá trị của từng loại tài sản riêng trừ đi các khoản nợ của doanh nghiệp.
Khi định giá doanh nghiệp cần chú ý đến hai nội dung chính sau:
– Giá trị thực của tài sản mà doanh nghiệp đang quản lý.
– Khả năng mang lại thu nhập từ các tài sản hiện có.
Điều kiện áp dụng:
Phương pháp này chủ yếu áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có quy mô tài sản hợp lý, chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp có tài sản như máy móc, nhà xưởng, phương tiện vận tải, trang thiết bị , … đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển nói chung của doanh nghiệp.
Ưu điểm:
– Thống kê rõ được các tài sản cụ thể cấu thành doanh nghiệp trong quá trình định giá với các quy trình phải có đó là tiến hành kiểm kê, phân loại tài sản, công nợ và xử lý tài chính. Quá trình trên giúp thống kê một cách rõ ràng nhất những tài sản cấu thành doanh nghiệp và đây cũng là ưu điểm nổi bật so với 2 phương pháp còn lại.
– Có tính pháp lý rõ ràng: Các quy định về tiến hành định giá theo phương pháp tài sản ròng khá chi tiết và rõ ràng.
Nhược điểm:
– Giá trị doanh nghiệp được xác định ở trạng thái tĩnh.
– Phương pháp này không đánh giá được triển vọng sinh lời của doanh nghiệp: Giá trị doanh nghiệp chỉ được xác định thông qua các tài sản hiện có mà không xét đến khả năng mở rộng, thay đổi của doanh nghiệp trong tương lai hay hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ thay đổi như thế nào trong năm tới.
– Không xem xét tới phần lớn các yếu tố phi vật chất: Nếu như ở phương pháp dòng tiền chiết khấu, các yếu tố phi vật chất được coi là đã tính đến trong khả năng sinh lời dự tính của doanh nghiệp thì phương pháp này không đánh giá hết được các yếu tố phi vật chất ảnh hưởng đến giá trị doanh nghiệp.
– Phức tạp trong tính toán đối với các doanh nghiệp đặc thù hoặc thiếu chính xác với các doanh nghiệp như ngân hàng, tài chính, … có giá trị tài sản hữu hình là không nhiều nhưng giá trị vô hình rất lớn.
– Định giá doanh nghiệp theo phương pháp tài sản ròng khó đạt được các giá trị tài sản thực, không tính được thời gian, các chi phí và phải trả khi thanh lý tài sản và việc phân phối sô tiền thu được một cách hợp lý.
– Giá trị sổ sách thể hiện trong báo cáo ít khi đưa ra các số liệu thực tế về giá trị của từng tài sản nợ khi chúng được thanh lý.
PHƯƠNG PHÁP CHIẾT KHẤU DÒNG TIỀN
Là phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp dựa trên khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong tương lai. Đối tượng của dòng tiền chiết khấu có thể là: Chiết khấu dòng tiền đối với chủ sở hữu, chiết khấu dòng tiền tự do và chiết khấu dòng tiền cổ tức.
Điều kiện áp dụng:
Thích hợp với tất cả các doanh nghiệp khi tiến hành định giá có các BCTC và kế hoạch tài chính chính xác để đảm bảo cho việc định giá chính xác.
Ưu điểm:
– Định giá doanh nghiệp ở trạng thái động (tính đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong tương lai và xác định giá trị doanh nghiệp một cách hiệu quả). Đây là một trong những ưu điểm nổi bật của phương pháp này so với phương pháp tài sản ròng.
– Giải quyết được những khó khăn khi xác định lợi thế thương mại trong phương pháp tài sản ròng. Phương pháp này không cần xác định cụ thể lợi ích thương mại của doanh nghiệp do nó đã được thể hiện trong chính kết quả kinh doanh trong tương lai của doanh nghiệp đó.
Nhược điểm:
Phương pháp này liên quan đến nhiều giá trị ước lượng nên nhược điểm chủ yếu liên quan đến tính chính xác của các thông tin ước lượng:
– Việc lập và thực hiện kế hoạch không thể luôn luôn chính xác do những biến động kinh tế và thị trường. Do đó, luôn có những sai sót trong việc tính toán theo phương pháp trên.
– Xác định lãi suất chiết khấu là chỉ tiêu vô cùng quan trọng để xác định giá trị doanh nghiệp. Nhưng việc xác định chỉ tiêu là rất khó (hoặc không chính xác) trong điều kiện thị trường tài chính chưa phát triển.
PHƯƠNG PHÁP GIÁ TRỊ THỊ TRƯỜNG
1. Phương pháp hệ số P/E (Price-to-Earnings)
Phương pháp trên dựa trên giá trị của các doanh nghiệp tương đương hoặc có thể so sánh để tìm ra giá trị của doanh nghiệp cần định giá.
Điều kiện áp dụng:
– Phương pháp này chỉ áp dụng khi mà thị trường chứng khoán phát triển, có nhiều doanh nghiệp đang niêm yết.
Ưu điểm:
– Tính toán đơn giản, dễ xác định.
– P/E còn giúp bạn xác định giá cổ phiếu đang ở mức nào để đưa ra chiến thuật đầu tư hợp lý.
Nhược điểm:
– Phương pháp P/E sử dụng dữ liệu quá khứ để xác định giá trị doanh nghiệp.
– Phương pháp P/E trở nên vô nghĩa nếu xuất hiện lỗ, thậm chí chỉ 1 quý hoặc chi phí bất thường.
2. Phương pháp P/B (Price-to-Book)
Điều kiện áp dụng:
– Thường sử dụng khi EPS (Earnings Per Share) âm bởi khi đó việc sử dụng hệ số P/E không còn ý nghĩa. Ngoài ra, khi có sự bóp méo về Giá trị sổ sách thường ổn định hơn EPS nên khi có sự đột biến về EPS thì có thể sử dụng P/B, sử dụng với doanh nghiệp không thể duy trì sự tăng trưởng.
Ưu điểm:
– Sử dụng được khi EPS âm.
– Sử dụng phù hợp với các doanh nghiệp ngành dịch vụ (doanh nghiệp này có giá trị sổ sách tương đối sát với giá trị thị trường).
– Phương pháp này rất phù hợp trong việc định giá những công ty có phần lớn tài sản có tính thanh khoản cao, như ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm và các công ty đầu tư, … hoặc định giá các công ty được cho là không còn tiếp tục hoạt động.
Nhược điểm:
– Giá trị của tài sản vô hình đã bị loại trừ khỏi giá trị sổ sách.
– Phương pháp P/B sử dụng dữ liệu quá khứ để xác định giá trị doanh nghiệp trong tương lai nên không thể hoàn toàn chính xác.
– Không phù hợp để định giá cổ phiếu của các công ty dịch vụ, nơi mà tài sản vô hình (tài sản con người) còn quan trọng hơn bất kỳ tài sản hữu hình nào.
– Sự khác biệt trong các mô hình và chiến lược kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành có thể dẫn đến sự khác biệt trong giá trị sổ sách. Do vậy P/B sẽ không phải là một chỉ số tốt để so sánh các doanh nghiệp trong cùng ngành.
– Sự linh hoạt trong việc lựa chọn các nguyên tắc kế toán dẫn đến sự khác biệt về giá trị tài sản, thậm chí chất lượng tài sản, được ghi nhận trong bảng cân đối kế toán. Điều này khiến cho việc so sánh giữa các công ty với nhau khi sử dụng P/B có thể gây nhầm lẫn.
Xem thêm
Phân biệt 5 loại hình công ty Kiểm toán tại Việt Nam
Khóa học ACCA F2
Khóa học ACCA F3
Leave us a Reply