Trong thời đại ngày nay, công nghệ dần khẳng định vị thế và đóng vai trò nhất định trên thị trường. Cuộc chiến không hồi kết đang diễn ra giữa ví điện tử và Bank – Pay. Chính điều này đã kéo theo nhiều sự thay đổi về hành vi tiêu dùng và thanh toán của người dùng. Theo Thống kê của tổ chức thẻ Visa cho thấy cứ 7/10 người tiêu dùng toàn cầu sẽ mua sắm qua smartphone.
Cuộc chạy đua diễn ra như thế nào?
Ở Việt Nam, bình quân mỗi ngày đã có 1,3 triệu lượt giao dịch điện tử xử lý qua hệ thống NAPAS (National Payment Services – công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam) và các ngân hàng, tăng gấp 1,75 lần so với cùng kỳ. Con số này cho thấy thói quen thanh toán của người tiêu dùng đang dần thay đổi theo hướng tích cực, đại diện NAPAS nhận định.
Ví điện tử hiện nay trên thị trường muôn hình vạn trạng. Các ví điện tử lâu năm như MoMo, Payoo gần như đã có chỗ đứng trên thị trường, nhưng không thiếu các ví mới đua nhau khuyến mãi để lấy thêm khách hàng, điển hình là ZaloPay, hay AirPay (của SEA – Garena). Thêm nhiều ví điện tử khác được phát triển trong hệ sinh thái riêng của mình, cũng đang bùng nổ không kém, chẳng hạn như Moca được Grab mua lại.
Trong xu hướng này, ngay cả các ngân hàng, mặc dù có các ứng dụng riêng về Mobile Banking nhưng vẫn ra mắt ứng dụng dành riêng cho khách hàng đặt tên là “Pay”. Mới đây, Sacombank ra mắt ứng dụng Sacombank Pay, như một loại ví điện tử. Người dùng có thể nạp tiền từ tài khoản Sacombank hoặc từ các ngân hàng khác rồi dùng để giao dịch. Hay Vietcombank có VCB Pay, BIDV có BIDV Pay+, TPBank với Savy, VPBank với YOLO. Hầu hết các tổ chức tín dụng đều tin rằng, đây sẽ là những ứng dụng mang lại trải nghiệm khác với các ứng dụng Mobile Banking thông thường trước đây.
Ai sẽ thắng thế trên thị trường?
Hầu hết các ví điện tử ngày nay đều có sức mạnh riêng. Chẳng hạn, nhóm thì sở hữu hệ sinh thái nhiều ứng dụng và lượng truy cập cao như ZaloPay. Nhóm tiên phong đi đầu trên thị trường thì có MoMo.
Trong khi đó, đa phần các dịch vụ mà ngân hàng có hiện nay đều khó lòng so sánh về mặt số lượng, độ phủ và mức độ đa dạng. Ứng dụng ngân hàng hiện nay vẫn tập trung nhiều ở dịch vụ thanh toán phổ thông như điện nước, y tế, hành chính công, mua sắm, giải trí, giáo dục, giao thông, không khác biệt nhiều so với các loại ví điện tử khác.
Nhóm đối tượng khách hàng giữa 2 loại hình này vẫn có phần khác biệt nhau. Ngân hàng có thể cung cấp các dịch vụ tài chính cho khách hàng, từ tiết kiệm, vay tiền, bảo hiểm và đầu tư, chứ không chỉ đơn thuần là thanh toán.
Cuộc đua hiện nay đã xuất hiện một vài ví điện tử muốn trở thành “siêu ứng dụng”, tức là một điểm đến nhiều lựa chọn. Khi các đầu mối dịch vụ đã quy tụ đầy đủ, lúc đó các ngân hàng sẽ phải chạy theo sau để phục vụ cho các siêu ứng dụng này.
Hơn nữa, một viễn cảnh xa hơn có thể được nhìn thấy là hoạt động thanh toán có thể thông qua rất nhiều loại công cụ khác nhau chứ không chỉ là smartphone. Đó có thể là chiếc nhẫn, đồng hồ đeo tay hay thậm chí người dùng trả tiền từ hệ thống kiểm soát xe ô tô hay nhà thông minh. Ngân hàng thời điểm đó có thể chỉ còn vai trò là hệ thống đứng đằng sau, hỗ trợ cho thế lực tiềm năng này.
Xem thêm:
– Khóa học ACCA Financial Accounting (F3)
– Khóa học ACCA Financial Reporting (F7)