Không phải Fintech, chuyên gia ngân hàng cho rằng các Big Tech như Google, Facebook, Amazon… với lợi thế về công nghệ, vốn, dữ liệu mới là mối đe dọa với ngành ngân hàng.

Mối đe dọa trong tương lai

“Đối tượng cạnh tranh lớn nhất của các ngân hàng là các Big Tech (tập đoàn công nghệ lớn) như Google, Facebook, Amazon..”, ông Đoàn Quốc Long, Giám đốc điều hành Ngân hàng BNP – Paribas, Khối Quản lý Tài sản khu vực châu Á cho hay.

Theo ông Long, mối đe dọa của ngân hàng không phải là các công nghệ tài chính (Fintech) như câu hỏi được đưa ra tại “Hội thảo Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo nắm bắt thời cơ phát triển” sáng 5/4 do Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức.

Thực tế, ông Long chỉ ra Fintech thường nhắm vào một phân khúc khách hàng, không “bao sân” tất cả các lĩnh vực như ngân hàng. Big Tech với thế mạnh kỹ thuật, khả năng tài chính hùng mạnh và bộ dữ liệu sộ mới chính là mối đe dọa với các ngân hàng.

“Big Tech có hệ thống kỹ sư về công nghệ rất giỏi. Tài chính của Big Tech vô cùng mạnh, họ hoàn toàn có khả năng để mua lại các Fintech. Yếu tố quan trọng nhất là các Big Tech nắm được bộ dữ liệu đồ sộ – nguồn dầu thô mới của nhân loại”, ông Long phân tích.

Theo ông, về lâu dài các ngân hàng cần quan tâm đến Big Tech, đại diện BNP nhận định.

Chia sẻ thông tin, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết Chính phủ đang xem xét cấp chứng chỉ ví điện tử cho Big Tech.

Để tránh nguy cơ rửa tiền, đánh bạc thông qua ví điện tử, ông Cấn Văn Lực cho rằng cần quy định hạn mức tiền trong mỗi ví để tránh trường hợp chuyển vài chục tỷ đồng vào ví như trước đây. Bên cạnh đó, Việt Nam cần cấp hạn mức chi tiêu hàng ngày đối với ví điện tử tương tự thẻ tín dụng.

Dù vậy, ông Long chỉ ra để đi sâu vào thị trường, trở thành đối thủ cạnh tranh của ngân hàng, Big Tech phải giải quyết được vấn đề niềm tin của khách hàng đang giảm sút trước những vụ “lùm xùm” lộ dữ liệu cá nhân như của Facebook…

Cú bắt tay với Fintech

Đại diện BNP – Paribas cho rằng sức mạnh của ngân hàng là uy tín, niềm tin đối với khách hàng – điều mà các Big Tech hay Fintech chưa có được. Các ngân hàng được thành lập từ lâu đời, có quy trình làm việc và kiểm soát chặt chẽ. Ông Long cho rằng ngân hàng có thể tạo ra hệ sinh thái cho riêng mình khi bao quát toàn bộ các dịch vụ, lĩnh vực. Fintech – với đặc thù thường nhắm vào một phân khúc khách hàng – sẽ trở thành một thành tố quan trọng hợp tác với ngân hàng.

Thực tế, ông Cấn Văn Lực chỉ ra các ngân hàng Việt Nam đang bắt đầu xây dựng hệ sinh thái cho khách hàng, trong đó, Fintech đóng vai trò quan trọng trong kết nối dịch vụ. Ví dụ như việc kết hợp thanh toán với các bệnh viện, trường học hiện nay, Fintech đang tạo ra sự kết nối liên thông.

Ông Lực cho rằng mối quan hệ giữa ngân hàng và Fintech hoàn toàn khác mối quan hệ giữa Uber, Grab và taxi truyền thống.

“Mỗi bên một phân khúc thị trường khác nhau, khẩu vị khác nhau”, ông Lực nhấn mạnh. Fintech có công nghệ, con người. Ngân hàng có mạng lưới, có khách hàng, có niềm tin, uy tín.Thay vì là đối thủ, ngân hàng và Fintech bắt tay với nhau theo mô hình cạnh tranh sòng phẳng, hợp tác và cùng làm ăn.

Đến nay, Việt Nam đang có 78 công ty Fintech và theo ông Lực đều đang làm ăn rất ổn. “Đó là sự phối hợp tuyệt với, giúp lấp chỗ trống về tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân và doanh nghiệp – hiện đang rất thấp tại Việt Nam”, ông Lực nhận định.

<CafeBiz>


Xem thêm

Sự đột phá trong mảng giao dịch ngân hàng

Liệu Cashback có phải là “mỏ vàng” cho ngân hàng không?