Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc thêm, ngoài giờ làm việc chính thức được quy tại Điều 106 Bộ luật Lao động 2012. Để làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải có sự đồng ý của người lao động, bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong một ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm.
Nhiều doanh nghiệp có ý kiến, thời gian làm thêm từ 200 đến 300 giờ được quy định hiện nay là thấp, chưa đảm bảo tính hợp lý, cản trở đáng kể cho hoạt động của doanh nghiệp
Hơn nữa, nhiều trường hợp người lao động chủ động muốn làm thêm giờ do họ được hưởng lương cao hơn, có thể được công ty trả tiền bữa ăn tối. Bên cạnh đó, nhiều chủ sử dụng lao động phải thuê thêm công nhân, đi kèm với đó là rất nhiều chi phí về đào tạo, bảo hộ, phúc lợi … Người lao động có thời gian thừa, rảnh rỗi mà không được phép tận dụng để lao động kiếm thêm thu thập.
Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị tăng giờ làm việc ngoài giờ lên tối đa là 360-400 giờ mỗi năm. Đây là quá trình thương thuyết về quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động, Nhà nước có vai trò trung gian.
Trên thực tế, xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của loài người trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian chăm sóc sức khỏe gia đình và các điều kiện xã hội của người lao động.
Chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi được hình thành trên cơ sở cả sinh học, tâm lý và kinh tế xã hội có liên quan đến quyền và lợi ích thiết thân trong quan hệ lao động, được người lao động và cả người sử dụng lao động cùng quan tâm.
Kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, hệ thần kinh của con người hoạt động theo chu kỳ sinh học. Một con người bình thường dành ít nhất 8 giờ đồng hồ để ngủ mỗi ngày, số giờ còn lại sẽ dành cho làm việc và tái tạo sức lao động. Để có thể làm việc hiệu quả, người lao động phải có thời gian nhất định giành cho nghỉ ngơi. Đó chính là giai đoạn mà người lao động tái sản xuất sức lao động. Như vậy, thời giờ làm việc là có giới hạn.
Theo xu hướng tiến bộ của khoa học kỹ thuật, số giờ làm việc một ngày có xu hướng giảm từ khoảng 18 giờ/ngày ở thế kỷ thứ XIX xuống đến nay còn khoảng 8 giờ/ngày. Năm 1935, ILO thông qua Công ước số 47 về tuần làm việc 40 giờ, năm 1962 lại còn khuyến nghị 116 về giảm thời giờ làm việc. Nay đã có một số nước thực hiện tuần làm việc 36, 39, 40 giờ và mỗi tuần làm việc 5 – 4 ngày.
Ở nước ta hiện nay đã và đang thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ trong khu vực nhà nước. Tuy nhiên, với một số ngành nghề có tính đặc thù hoặc có tính thời vụ, người lao động cần làm việc ngoài giờ với cường độ cao trong một khoảng thời gian nhất định như Kế toán cuối tháng khóa sổ và lập báo cáo, Kiểm toán cuối năm kiểm toán các doanh nghiệp, …
Do đó, tùy thuộc vào tính thiết yếu, tính hiệu quả của công việc, người lao động và người sử dụng lao động cân nhắc khi làm việc ngoài giờ sao cho đảm bảo sức lao động và công việc.
Leave us a Reply