Khi còn trẻ, tiền bạc và danh tiếng như một cái bẫy. Nếu không tỉnh táo, bạn sẽ rất dễ bị “dắt mũi” và đi chệch hướng. Muốn tiến xa, định hướng sự nghiệp quan trọng hơn những bước đi ban đầu. Dưới đây là chia sẻ của một người trẻ đã trải qua 3 năm đầu gây dựng sự nghiệp.
“Hai ngày trước, tôi có đi phỏng vấn ở một trung tâm tiếng Anh với vị trí giáo viên part-time, mục đích của tôi khi phỏng vấn thực tế là để có được cơ hội được đào tạo và trở thành giáo viên Tiếng Anh chuyên nghiệp. Sau buổi dạy thử, tôi với chị HR có một buổi trao đổi ngắn:
– Mức lương em mong muốn cho 1 giờ dạy bên *** là bao nhiêu?
– Bao nhiêu cũng được ạ.
– Bao nhiêu cũng được là sao? Em phải có mức lương thấp nhất để có thể làm việc chứ?
– Em thật sự không quan trọng lương bổng, cái em quan trọng ở đây là cơ hội làm việc cho *** để vừa truyền đạt kiến thức, vừa học hỏi. Em rất khó tính trong việc chọn trung tâm để học, và càng khó hơn trong việc chọn trung tâm để dạy, vì rất khó để tìm được những trung tâm truyền tải những kiến thức “thật”. Nói thật là em dạy miễn phí cũng được nữa. Em không nói như thế để gây ấn tượng, mà đó là sự thật.
– Vậy hiện tại em có công việc ở ngoài không?
– Em có. Em hiện là freelancer chị ạ.
Khi phỏng một công việc nào đó, và được hỏi về lương, tôi thường nói một câu như này thôi:
– Cái tôi quan tâm ở đây là tôi học được gì, chứ không phải là tôi nhận được bao nhiêu.
Và tôi nghĩ như thế thật.
Tôi làm freelancer, công việc của tôi tầm 4-5h/ngày từ thứ 2-6. Và thu nhập của tôi chỉ 6 triệu/tháng.
Với tôi, ngay từ những ngày đầu tốt nghiệp đại học, tôi đã tự nói rõ với bản thân, rằng từ lúc đó đến lúc 25 tuổi, nhiệm vụ chính của tôi là tích luỹ kiến thức chứ không phải kiếm tiền, và đó cũng chính là kim chỉ nam để tôi phấn đấu trong thời gian 3 năm nay.
Và việc không quá quan tâm vào lương bổng sẽ giúp bạn rất nhiều trong cuộc sống và công việc. Bạn sẽ suy nghĩ tích cực hơn, học hỏi được nhiều hơn, và làm việc hiệu quả hơn rất nhiều. Dành tình yêu cho công việc mình đang làm thay vì lương bổng sẽ giúp bạn có được những đánh giá tích cực hơn từ sếp, đồng nghiệp và cả đối tác.
Tôi còn nhớ công việc đầu tiên của mình ngay sau khi trở lại Sài Gòn vào năm ngoái, khi sếp cũ hỏi về lương bổng, tôi cũng kêu trả thế nào cũng được. Tháng đầu, lương của tôi 8 triệu. Tháng sau, lương của tôi 9 triệu. Tháng thứ 3, lương của tôi lên 10 triệu, sếp cũ của tôi thậm chí tính luôn lương chính thức từ những ngày đầu.
Sau đó, tôi không làm giờ hành chính nữa, mà làm freelancer, cũng vì thái độ này mà trong buổi phỏng vấn, từ mức lương 5 triệu trong JD, sếp hiện tại của tôi tự nâng lên thành 6 triệu. Và tôi không yêu cầu điều đó.
Sếp cũ của tôi từng khuyến khích tôi đi học lại đại học, thậm chí sẽ trả tiền cho thời gian tôi đi học. Tuy nhiên, do bất đồng ý kiến giữa sếp và tôi nên tôi đã chủ động xin nghỉ. Sếp hiện tại của tôi, coi tôi như một người em, luôn chỉ bảo và khuyên bảo tôi tận tình mỗi khi tôi có quyết định nào đấy, và cuối cùng thì tôi như là trợ lý của ông.
Có được thái độ tích cực và sự tin tưởng, tôi hầu như được tham gia vào tất cả các quá trình và dự án của công ty. Tận mắt chứng kiến từng đường đi nước bước, thậm chí là đóng góp ý kiến. Và đó chính là con đường tôi quan sát và học tập.
Một ví dụ nữa, cũng là Tiếng Anh của tôi. Thay vì đi làm thêm để kiếm thêm nhiều tiền, tôi dành thời gian đó để nâng cao tiếng Anh.
Với mức lương chỉ 6 triệu, tôi sẵn sàng bỏ ra 3,5 triệu ở homestay để học với Tây. Và giờ thì mình thành luôn giáo viên. Với trung tâm tôi đang làm, những ngày đầu, tôi chỉ apply vào vị trí trợ giảng và rồi được offer thử sức với vị trí giáo viên.
Với tôi, không quan trọng bạn đang làm ở vị trí nào, và kiếm được bao nhiêu. Quan trọng là bạn có đang đi đúng phương hướng mà bạn đã xác định, hay là, bạn đã xác định hướng đi của mình hay chưa?
Quay lại với việc dạy tiếng Anh. Tôi hiện tại đang dạy học miễn phí (tầm 2-3h/ngày) ở homestay và đã dạy buổi đầu ở trung tâm mình phỏng vấn ngày hôm qua. Và đây là cách nhìn nhận của tôi về việc mình đi dạy: Tôi sẽ lấp đầy những lỗ hổng nhỏ mà mình còn thiếu trong kiến thức của mình qua việc chuẩn bị bài cho học sinh, đồng thời nâng cao kỹ năng sư phạm, song song đó là kỹ năng thuyết trình, đây cũng là cơ hội để tôi truyền tải những gì mình học được. Và hơn hết, tôi sẽ được đào tạo bởi những người đã khuất phục được sự khó tính của mình…
Và kết quả là: Các lớp học của tôi khá vui, sẽ không biết ở tương lai thế nào, nhưng hiện tại mọi chuyện đều khá ổn. Và tôi thì khá phấn khích.
Đừng lo lắng người khác nghĩ gì về bạn. Quan trọng là bạn nghĩ gì về bạn.
Đừng so sánh mình với người khác. Hãy so sánh chính bạn và con người và bạn muốn trở thành.
Và không ai có chung một mục đích, cũng chẳng mấy ai chung lối đi. Đừng biến bản thân thành con bò, và vô tình bị xã hội dắt mũi.
Chúc các bạn thành công.”
UniTrain sưu tầm