Đối với bất kỳ một tổ chức, một đơn vị, doanh nghiệp hay cao hơn nữa là một quốc gia, một cộng đồng, vai trò của quản trị càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Trong những năm gần đây, không ai có thể phủ nhận được vai trò của quản trị trong hẩu hết các hoạt động của đời sống kinh tế xã hội. Đối với bất kỳ một tổ chức, một đơn vị, doanh nghiệp hay cao hơn nữa là một quốc gia, một cộng đồng, vai trò của quản trị càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Quản trị và quản lý đều là những khái niệm rộng, có nhiều định nghĩa và cách hiểu khác nhau. Đây là hai khái niệm song hành, thường được sử dụng thay thế cho nhau có thể dẫn đến hiểu lầm mặc dù trên thực tế giữa hai khái niệm này vẫn có những sự khác biệt nhất định.

Quản trị và quản lý là gì ?

Có rất nhiều khái niệm khác nhau được đưa ra, và chưa có sự thống nhất hoàn toàn nào về định nghĩa này. Quản trị là tiến trình hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra họat động của các thành viên trong tổ chức, sử dụng các nguồn lực nhằm đạt đến sự thành công trong các mục tiêu đề ra.

Từ khái niệm này giúp chúng ta nhận ra rằng, quản trị là một hoạt động liên tục và cần thiết khi con người kết hợp với nhau trong một tổ chức. Đó là quá trình nhằm tạo nên sức mạnh gắn liền các vấn đề lại với nhau trong tổ chức và thúc đẩy các vấn đề chuyển động.

Trong khi đó, quản lý là quá trình làm việc cùng với và thông qua các cá nhân, các nhóm và các nguồn lực khác (thiết bị, vốn, công nghệ) để đạt được những mục tiêu của tổ chức. Quản lý được thử thách và đánh giá qua việc đạt được các mục tiêu thông qua sự tổ chức và thực hiện các kỹ năng khác nhau.

Cụ thể hơn, quản trị có nghĩa là toàn bộ quá trình quyết định ra chính sách, các khung về quy tắc, đặt ra các mục tiêu chung. Đó là các hoạt động cấp cao. Quản trị còn là quá trình đặt nền móng các nguyên tắc vận hành cơ bản cho một doanh nghiệp. Nó chính là việc hướng dẫn, lãnh đạo, kiểm soát tổ chức, doanh nghiệp để hướng đến việc đạt được mục tiêu chung.

Còn quản lý là việc tiếp nhận, kết nối và khởi động các nhân tố khác nhau, điều phối, thúc đẩy, các nhân tố đa dạng khác nhau của tổ chức để hướng đến các mục tiêu đã được đặt ra bởi quản trị. Nói cách khác, quản lý là nghệ thuật của việc đạt được mục đích thông qua và cùng với những người khác trong nhóm được tổ chức.

Bảng dưới đây sẽ giúp làm rõ hơn chức năng của hai thuật ngữ này:

Quản lý Quản trị
Ý nghĩa Quản lý là nghệ thuật đạt được mục đích đã được xác lập sẵn thông qua người khác Quản trị thường liên quan đến việc hoạch định, các mục tiêu vĩ mô, các kế hoạch và chính sách
Bản chất Chức năng của quản lý là thi hành Chức năng của quản trị là việc đưa ra quyết định
Quá trình Quản lý quyết định ai và như thế nào Quản trị quyết định trả lời cho câu hỏi cái gì và bao giờ
Chức năng Quản lý có chức năng thi hành bởi vì người quản lý hoàn thành công việc của mình dưới sự giám sát nhất định Quản trị có chức năng tư duy bởi vì các kế hoạch và chính sách được quyết định dựa theo các tư duy này
Kỹ năng Kỹ thuật và kỹ năng con người Kỹ năng nhận thức và con người
Cấp độ Cấp trung và thấp Cấp cao
Mức độ ảnh hưởng Các quyết định quản lý đưa ra bị ảnh hưởng bởi giá trị, quan điểm, tín ngưỡng và quyết định của người quản lý khác. Quản trị bị ảnh hưởng bởi quan điểm cộng đồng, chính phủ, các tổ chức tôn giáo, hoặc phong tục…
Tình trạng Quản lý chi phối người lao động của tổ chức, những người được trả thù lao (theo hình thức lương). Quản trị đại diện cho chủ sở hữu của doanh nghiệp, những người mà thu lại lợi nhuận họ đã đầu tư theo hình thức cổ tức.

Quản trị với doanh nghiệp

Đối với doanh nghiệp, việc phân biệt áp dụng được hai khái niệm này càng trở nên quan trọng, nó liên quan trực tiếp đến “sức khỏe” doanh nghiệp. Quản trị doanh nghiệp tốt là nền tảng cho sự phát triển lâu dài của các doanh nghiệp lớn. Ngược lại, quản trị không tốt thường dẫn đến những hậu quả xấu, thậm chí phá sản công ty.

Quản trị doanh nghiệp là mô hình cân bằng và kiềm chế quyền lực giữa các bên liên quan của công ty, nhằm vào sự phát triển dài hạn của công ty.

Quản trị doanh nghiệp là mô hình cân bằng và kiềm chế quyền lực giữa các bên liên quan của công ty, nhằm vào sự phát triển dài hạn của công ty.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của khối doanh nghiệp cả về số lượng và quy mô, đặc biệt là sự hình thành các công ty lớn ở Việt Nam hiện nay, Quản trị doanh nghiệp, công cụ giúp tách biệt giữa sở hữu và quản lý, đang ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và các nhà xây dựng pháp luật về doanh nghiệp.

<UniTrain tổng hợp>