Tài sản vô hình (Invisible Assets) là tài sản không thể nhìn thấy hoặc chạm vào, nhưng vẫn cung cấp giá trị cho chủ sở hữu. Tài sản vô hình được mô tả là “những kiến thức tồn tại trong tổ chức để tạo ra những lợi thế khác biệt” hoặc “khả năng của nhân viên công ty trong việc đáp ứng nhu cầu khách hàng”. Tài sản vô hình bao gồm nhiều loại tài sản đa dạng ví dụ như quyền sáng chế, bản quyền, kiến thức của nguồn nhân lực, tinh thần lãnh đạo, hệ thống thông tin và quy trình làm việc. Trong các Bản đồ chiến lược và Thẻ điểm cân bằng, các mục tiêu về nguồn vốn sau thường xuất hiện:
Nguồn vốn con người:
Những kỹ năng chiến lược: sự sẵn có của tài năng, kỹ năng, bí quyết để thực hiện những hoạt động theo yêu cầu của chiến lược.
Nguồn vốn thông tin:
Nguồn thông tin chiến lược: sự sẵn có của các hệ thống thông tin và các ứng dụng và cơ sở hạ tầng kiến thức cần thiết để phục vụ chiến lược.
Nguồn vốn tổ chức:
Văn hóa: nhận thức và khả năng truyền đạt tầm nhìn, sứ mệnh và các giá trị chung cần thiết để thực hiện chiến lược.
Tinh thần lãnh đạo: sự sẵn có các nhà lãnh đạo giỏi ở mọi cấp độ để đưa tổ chức đi đúng chiến lược.
Sự gắn kết: gắn kết các mục tiêu và các chế độ khen thưởng với chiến lược ở mọi cấp độ của tổ chức.
Tinh thần tập thể: sự chia sẻ các tài sản kiến thức và nhân lực với tiềm năng chiến lược.
Những mục tiêu trên mô tả những tài sản vô hình quan trọng và cung cấp một mẫu hình hiệu quả để gắn kết và kết hợp vào trong chiến lược của tổ chức.
SỰ GẮN KẾT
Tài sản vô hình phải được gắn kết với Chiến lược để tạo ra giá trị.
Tài sản vô hình chỉ tạo nên giá trị khi được đặt trong bối cảnh của Chiến lược, vì tổ chức dùng chúng để thực hiện chiến lược đó. Ví dụ, một công ty theo đuổi chiến lược tối thiểu hóa chi phí, chẳng hạn như Dell hay McDonald’s, sẽ có nhu cầu thường xuyên cải thiện quy trình hoạt động để đạt được hiệu quả cao hơn từ chương trình Quản lý chất lượng toàn diện (TQM). Tuy nhiên một công ty như Goldman Sachs hay IBM Consulting vốn đi theo chiến lược cung cấp giải pháp toàn diện cho khách hàng sẽ hưởng lợi tốt nhất từ chương trình huấn luyện Quản lý quan hệ khách hàng (CRM). Việc đầu tư tương tự vào công tác huấn luyện sẽ tạo ra hiệu quả đặc biệt cao khi nó được gắn kết với chiến lược của tổ chức. Sự gắn kết chiến lược là yếu tố hàng đầu trong việc tạo ra giá trị từ tài sản vô hình.
SỰ HỢP NHẤT
Vai trò chiến lược của các tài sản vô hình không thể được xem xét một cách riêng lẻ. Để nâng cao hiệu quả của tất cả tài sản vô hình trong một tổ chức, cần có một chương trình hợp nhất.
Khi phân chia hoạt động theo từng nhóm chức năng, đó chính là sự chuyên môn hóa. Nhân viên trong từng bộ phận chức năng riêng biệt sẽ quan sát, tham khảo và học hỏi những mô hình nghiệp vụ trong bộ phận đó và lấy chúng làm tiêu chuẩn làm việc. Sự chuyên môn hóa như vậy rõ ràng rất có lợi để nâng cao chất lượng hoạt động thực sự trong mỗi bộ phận. Tuy nhiên trong thực tế, các bộ phận khác nhau thường hoạt động độc lập với nhau. Mỗi phòng ban cạnh tranh lẫn nhau để giành các nguồn lực khan hiếm trong tổ chức. Phòng này muốn tăng cường công tác đào tạo nhân viên trong khi phòng kia muốn triển khai các ứng dụng kỹ thuật. Các giải pháp được thực hiện riêng lẻ thường sẽ mang đến kết quả đáng thất vọng. Các nhà quản lý đều thừa nhận sự cần thiết phải gắn kết và kết hợp tài sản vô hình của họ.
Nguồn tham khảo: Sách “BẢN ĐỒ CHIẾN LƯỢC”
Xem thêm