Thị trường chứng khoán toàn cầu chứng kiến một năm với quá nhiều biến động. Trong tháng cuối năm, hai chỉ số lớn của chứng khoán Mỹ là Dow Jones và S&P 500 đứng trước nguy cơ có diễn biến tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng năm 1931, kéo theo đó là những phiên giao dịch đỏ lửa ở châu Á và châu Âu.
Chỉ số MSCI World Index, theo dõi hoạt động trên thị trường chứng khoán của các thị trường mới nổi, kết thúc phiên giao dịch ngày 19/12 với 1.892,71 điểm, giảm 326,22 điểm so với mức đỉnh trong năm ghi nhận vào ngày 25/1. Đây là mức thấp nhất kể từ đầu năm tới nay. Trong năm nay, MSCI đã rớt 10,29%.
Tại Phố Wall, trong những tháng cuối năm, các chỉ số lớn liên tiếp rơi vào vùng điều chỉnh, kết thúc thời kỳ tăng trưởng cao và kéo dài sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Diễn biến tồi tệ của thị trường đến từ khá nhiều nguyên nhân, không thể không kể đến căng thẳng thương mại ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc và những lần Cục Dự trữ Liên bang (Fed) quyết định nâng lãi suất.
Giới đầu tư vô cùng hoảng loạn mỗi khi thông tin về các sự kiện trên được đưa ra, họ lo ngại rằng tốc độ nâng lãi suất của Fed sẽ khiến nền kinh tế không thể đáp ứng kịp. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu bị bán tháo nặng nề nhất lại chính là các mã được giới đầu tư đặc biệt yêu thích, các cổ phiếu công nghệ.
Tính đến phiên giao dịch ngày 19/12, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones rớt xuống mức thấp nhất trong năm, tệ hơn cú sụt giảm hồi tháng 2. Đây chính là thời điểm Fed đưa ra thông báo chính thức nâng lãi suất lần thứ tư trong năm 2018, khiến các nhà đầu tư mạnh tay bán tháo.
Tương tự với S&P 500, chỉ số theo dõi giá cổ phiếu của 500 công ty có mức vốn hóa lớn trên thị trường Mỹ, cũng lao dốc xuống mức thấp nhất của năm, hiện chỉ còn 2.506,96 điểm, mất đến hơn 400 điểm so với mức đỉnh từ đầu năm đến nay.
Kéo theo đó là những cú rung lắc mạnh tại thị trường châu Á. Có thể thấy, các chỉ số lớn của châu Á cũng ảnh hưởng nhiều bởi tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư. Cụ thể là, chỉ số Nikkei 225 mất 10,92% so với đầu năm, chạm mức thấp nhất trong 52 tuần với 20.392,58 điểm khi kết thúc phiên giao dịch ngày 20/12.
Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Index cũng có một năm lao dốc, ghi nhận mức giảm 22,85% tính từ đầu năm tới nay. Đây là chỉ số có diễn biến tệ nhất trong năm với những pha lao dốc liên tiếp.
Đặc biệt, hồi cuối tháng 10, chứng khoán Hong Kong đã chứng kiến đợt giảm dài nhất trong 36 năm. Trong đó, cổ phiếu của gã khổng lồ công nghệ Tencent có cú bứt phá đầy ấn tượng vào năm ngoái, với mức tăng hơn 100% trong năm 2017, thế nhưng 2018 lại là một năm đầy u ám với công ty này. Hồi tháng 10, 220 tỷ vốn hóa của Tencent đã bị thổi bay, nằm trong phạm vi của “con gấu” trong vòng 259 ngày liên tiếp, lập kỷ lục thế giới mới trong giới công nghệ.
Chứng khoán châu Âu cũng không ngoại lệ, phải hứng chịu những lo ngại của các nhà đầu tư do bất ổn đến từ các sự kiện chính trị như Brexit hay cuộc khủng hoảng chính trị ở Italy.
Chỉ số chứng khoán DAX 30 (Đức) mất 18,54% trong năm nay và giao dịch ở 10.776,21 điểm vào ngày 19/12. Ngoài ra, chỉ số FTSE 100 (Anh) cũng có một năm không mấy thuận lợi, giảm 10,31% tính từ đầu năm và kết thúc phiên giao dịch ngày 19/12 với 6765,94 điểm.
<Nguồn: cafef.vn>
Leave us a Reply