Trí thông minh nhân tạo đủ sức loại bỏ các công việc thường nhật trong các dịch vụ tài chính – nhưng cũng có thể gây mất việc làm quy mô lớn

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, tiến bộ công nghệ thường mang tính đột phá, nhưng nhìn chung nó không xóa bỏ việc làm của nên kinh tế mà nó thay thế các công việc mang tính thường nhật bằng các công việc mới, sáng tạo hơn và có giá trị gia tăng.

Nhưng một số chuyên gia lo ngại rằng lần này nó có thể khác. Trí tuệ nhân tạo (AI) và robot tiên tiến có thể đào thải nhân sự hàng loạt ra khỏi thị trường lao động. Gần một nửa số lao động Mỹ có việc làm đang ‘lâm nguy’ vì tự động hóa.

Trong số những lo lắng chính là thay vì chỉ thay thế các công việc thủ công và tay nghề thấp, máy móc ngày càng có khả năng thay thế lao động trí tuệ.

Những người lao động trong lĩnh vực dịch vụ chuyên môn thường xem công việc mang tính trình độ cao giờ đang rơi vào thế ‘dầu sôi lửa bỏng’. Kế toán, kiểm toán, thuế được cho là là một trong những phòng ban có nguy cơ tự động hóa cao nhất. Tất cả các công ty lớn đang đầu tư mạnh vào công nghệ sẽ tự động hóa các phần có tính lặp đi lặp lại trong quy trình kiểm toán.

Deloitte đang có những bước đi đầu tiên. Vào tháng 3 năm 2016, công ty đã tuyên bố hợp tác với Kira Systems nhằm triển khai phần mềm trí tuệ nhân tạo mà họ cho rằng sẽ ‘giải phóng’ công nhân khỏi sự nhàm chán của việc xem xét hợp đồng và các tư liệu khác. Công nghệ này có tiềm năng giúp đẩy nhanh triệt để quá trình phân tích tài liệu – tức quá trình đằng sau một loạt các hoạt động kinh doanh, từ sáp nhập đến bố trí cho thuê.

Tuy giá trị tốt hơn cho khách hàng, độ chính xác và sự nhanh chóng hơn được công nghệ mang lại, nó cũng sẽ thay đổi hàng loạt công việc trong các công ty dịch vụ chuyên môn, với ít vị trí cấp thấp (entry-level) và nhiều vị trí tập trung vào tư duy sáng tạo và phân tích. Nghe có vẻ hấp dẫn nhưng có vấn đề tiềm ẩn. Nhìn chung, nhân sự sẽ còn lại rất ít. Nếu các bước thấp hơn trên nấc thang sự nghiệp (career ladder) bị loại bỏ, làm thế nào để các công ty tạo ra các nhà lãnh đạo của tương lai?

Thay đổi về mặt công nghệ đã được thể hiện rõ nét trong việc đào tạo kế toán viên. Ít có nhu cầu cho các nghiệp vụ kế toán đơn giản và nhiều nhu cầu hơn cho tư duy chiến lược. Các khóa đào tạo kế toán đã chuyển từ học vẹt sang mang tính phân tích kinh doanh nhiều hơn.

Trong khi việc loại bỏ nhiều công việc lặp đi lặp lại sẽ làm cho vô số công việc đáng mơ ước hơn, nó cũng có thể góp phần làm gia tăng bất bình đẳng. Đó là một nền kinh tế mà trong đó các phần thưởng được phân bổ không đồng đều khi chỉ những người có tài năng và chuyên môn đặc biệt mới hưởng được bổng lộc.

Nhiều nhà kinh tế tin rằng những tiến bộ trong công nghệ phần nào giải thích cho sự gia tăng chênh lệch thu nhập gần đây, với tiền lương thực tế trung bình bị đình trệ trong khi thu nhập của tầng lớp thượng lưu nhất ngày càng tách rời khỏi toàn bộ dân số. Điển hình, vào cuối năm 2016, thu nhập hộ gia đình trung bình ở Mỹ thấp hơn 1,6% so với năm 2007 và dưới mức đỉnh đạt được trong sự bùng nổ vào cuối những năm 1990 là 2,4%.

Tốc độ nhanh chóng của sự thay đổi này chỉ ra thêm một vấn đề. Tuy tiến bộ công nghệ không làm giảm việc làm nói chung, nó gây gián đoạn ở một số thời điểm ((ví dụ: tạm đóng cửa nhà máy nhằm thay đổi dây chuyền sản xuất mới) làm nạn thất nghiệp gia tăng và tốc độ thay đổi càng nhanh thì xã hội càng khó điều chỉnh.

Trong bối cảnh biến động như vậy, những người bị thay thế bởi công nghệ có thể có ít thời gian hơn trước đây để phát triển các kỹ năng mới và tìm cơ hội mới. Để đi trước máy móc, hệ thống giáo dục và đào tạo cần phải tập trung vào loại tư duy sáng tạo hoặc kỹ năng tương tác của con người mà trí tuệ nhân tạo chưa thể dễ dàng bắt chước được. Và các chính phủ sẽ phải suy tính lại về hệ thống phúc lợi nhằm đảm bảo cho những người bị công nghệ mới đào thải.

Từ An Phong – UniTrain dịch – nguồn: ACCA Global