Trong bảng xếp hạng Chỉ số quyền lực châu Á (Asia Power Index) vừa được Viện Lowy – viện nghiên cứu chính sách đối ngoại hàng đầu của Australia – công bố ngày 19/10, Việt Nam tiếp tục tăng 1 bậc từ 13 lên 12, được đánh giá là quốc gia có sự tăng thứ hạng mạnh nhất với 1,3 điểm. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, vị trí của Việt Nam được cải thiện trong bảng xếp hạng Asia Power Index.
Chỉ số quyền lực châu Á được đưa ra dựa trên đánh giá nhiều lĩnh vực như năng lực quân sự và mạng lưới quốc phòng, nguồn lực và quan hệ kinh tế, ảnh hưởng ngoại giao – văn hóa, năng lực đối phó rủi ro, và nguồn lực cho tương lai của 26 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đây cũng là công cụ phân tích của Viện Lowy theo dõi các thay đổi về mức độ ảnh hưởng của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực,
Theo đánh giá của Viện Lowy, Việt Nam đã tham gia rất hiệu quả trong các diễn đàn và các sáng kiến thương mại khu vực, từ việc thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với tư cách là Chủ tịch ASEAN, cho đến nỗ lực thúc đẩy Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng với 10 quốc gia thành viên khác.
Bên cạnh đó, trong năm 2020, Việt Nam cũng đã cải thiện nhiều về năng lực kinh tế và tăng 3 bậc trong chỉ số về mạng lưới quốc phòng, chỉ số ảnh hưởng ngoại giao tăng 3 bậc do xử lý tốt đại dịch COVID-19. Đồng thời, các chỉ số về cạnh tranh kinh tế và mạng lưới quốc phòng của Việt Nam cũng đều gia tăng…
Ông Herve Lemahieu, Giám đốc chương trình ngoại giao và quyền lực châu Á tại Viện Lowy đã đưa ra nhận định, việc kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 là điều kiện cần nhưng không phải là duy nhất để cải thiện vị thế khu vực của một quốc gia ở châu Á.
Tuy vậy, việc thoát khỏi bẫy kinh tế mà dịch Covid-19 mang đến lúc này là ưu tiên không chỉ riêng của Việt Nam mà còn là của nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo các chuyên gia kinh tế, nhìn từ trong nước, Việt Nam có thể đẩy nhanh tiến độ phát triển các dịch vụ không đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp (học tập trực tuyến, thương mại điện tử, chính phủ điện tử, khám chữa bệnh từ xa) đồng thời tiếp tục triển khai hệ thống thanh toán công nghệ số.
Bước đi như vậy không chỉ giúp đáng ứng nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ có chất lượng của tầng lớp trung lưu mới nổi mà còn cải thiện được năng lực cạnh tranh của quốc gia nhờ giảm chi phí giao dịch cho cả khu vực công và khu vực tư nhân.
Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đã có những quyết định nhanh và dứt khoát, qua đó không chỉ giúp nền kinh tế thích nghi với thực trạng mới mà còn có thể truyền lửa cho chính phủ các nước khác trong thời gian tới khi họ phải nỗ lực xác định xem trạng thái bình thường mới sẽ ra sao trong thế giới hậu đại dịch.
Theo Tạp chí tài chính
Xem thêm
Quản lý tài chính với quy tắc 50/20/30
Deloitte: 5 điều doanh nghiệp phải có trong trạng thái bình thường mới