Phỏng vấn xin việc là sự kiện quan trọng với mỗi người và chúng ta không có cơ hội hối hận nếu để xảy ra bất kỳ sai sót nào. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những lời khuyên về quá trình chuẩn bị cho buổi phỏng vấn trên mạng, nhưng chúng thường quá chung chung và mơ hồ, kiểu như: đến đúng giờ, ngồi thẳng lưng, bắt tay một cách kiên định,…

Những mẹo phỏng vấn dưới đây chỉ là những hành động nhỏ nhặt bạn làm trước, trong và sau khi phỏng vấn nhưng lại giúp bạn tiến gần hơn đến với công việc mơ ước.

 

TRƯỚC BUỔI PHỎNG VẤN

1. Đăng ký Google Alerts.

Việc tìm hiểu về nhà tuyển dụng và công ty ứng tuyển trước buổi phỏng vấn là rất cần thiết nhưng tốn khá nhiều công sức và thời gian. Có một cách đơn giản hơn để làm việc này mà không phải tốn hàng giờ tìm kiếm thông tin trên các kênh báo đài: tạo một cảnh báo về công ty trên Google Alerts. Mất khoảng 10s để thiết lập và sau đó những bài báo có liên quan sẽ được gửi trực tiếp đến hộp thư của bạn.

2. Hãy làm sạch hồ sơ truyền thông của bạn.

Bạn luôn có cảm giác sợ hãi sau khi gửi hồ sơ xin việc, phải làm sao nếu nhà tuyển dụng tìm kiếm tên của bạn trên facebook, twitter,…? Họ sẽ tìm thấy những gì khi làm việc đó?

Bạn có quyền lo ngại về nó, bởi nghiên cứu đã cho thấy rằng 91% nhà tuyển dụng kiểm tra nội dung tài khoản mạng xã hội của các ứng cử viên để dự phòng những rủi ro ảnh hưởng đến quyết định tuyển dụng hay không tuyển dụng họ.

Hãy xóa hoặc chuyển sang chế độ riêng tư “only me” những hình ảnh/bài viết không phù hợp và bạn có thể yên tâm rằng ấn tượng của nhà tuyển dụng về bản thân sẽ không quá tệ.

3. Sắp xếp cuộc phỏng vấn của bạn vào sáng thứ 3.

Một báo cáo gần đây trên Glassdoor.com cho thấy cơ hội thành công cao nhất thuộc về các cuộc phỏng vấn diễn ra lúc 10h30 sáng thứ 3. Đây là thời điểm tốt nhất trong tuần khi mà nhà tuyển dụng có thể tập trung nhất và có xu hướng đưa ra những quyết định tuyển dụng tích cực.

Nếu không sắp xếp được vào thứ 3, bạn cũng nên tránh thứ 2 khi mọi người vẫn còn dư âm từ các ngày nghỉ và thứ 6 khi sự tập trung của họ đã chuyển sang các hoạt động cho cuối tuần.

Tương tự như vậy, bạn cũng nên tránh các ca phỏng vấn đầu tiên và cuối cùng của ngày, liền trước và sau giờ ăn trưa.

4. Tạo điểm nhấn trên bộ trang phục công sở.

Nếu thực hiện một cách khéo léo, phụ kiện và trang phục sẽ là cách giúp bạn nổi bật hơn các ứng cử viên đối thủ và cũng giúp tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.

Hãy tìm những thứ thú vị để bổ sung một cách tinh tế cho bộ trang phục công sở quen thuộc, một chiếc ghim đính trên ve áo hay một chiếc cà vạt sáng màu chẳng hạn.

5. Mang kèm theo CV khi đi phỏng vấn.

Khi đi phỏng vấn bạn nên mang kèm bản in màu CV, các chứng chỉ đào tạo hay các tài liệu có liên quan khác.

Có thể là nhà tuyển dụng đã dành thời gian xem qua nó, những cũng ko mất gì khi nhắc họ nhớ lại về thông tin của bạn. Đến phỏng vấn với sự chuẩn bị kỹ càng chứng tỏ tác phong chuyên nghiệp của bạn.

 

6. Đừng đến quá sớm.

Việc bạn đến trễ một cuộc phỏng vấn rõ ràng là không được và khiến bạn ngay lập tức bị đá ra khỏi cuộc đua với các ứng cử viên khác. Tuy nhiên, đến sớm quá mức cần thiết cũng sẽ là một bất lợi với cơ hội có việc làm của bạn.

Khi đến quá sớm, các nhân viên nơi bạn ứng tuyển sẽ phải để mắt đến bạn (tìm chỗ ngồi, pha cà phê/trà đón tiếp,…), thậm chí vì chờ đợi buồn chán, bạn đành phải nhắn tin/ lên mạng để giết thời gian.

Điều này không hề gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, bạn chỉ nên đến trước thời gian phỏng vấn khoảng 10 phút. Nếu đến sớm, hãy đi dạo vòng quanh và uống nhanh một cốc cà phê trong thời gian chờ đợi.

 

TRONG BUỔI PHỎNG VẤN

7. Giao tiếp bằng ánh mắt.

Những người có kinh nghiệm thường khuyên các ứng viên duy trì giao tiếp qua ánh mắt với nhà tuyển dụng. Điều này là đương nhiên để thiết lập mối quan hệ, cho thấy bạn là người tự tin, chu đáo và tập trung vào cuộc nói chuyện.

Tuy nhiên, có một ranh giới giữa việc giao tiếp qua ánh mắt với việc làm nhà tuyển dụng khó chịu vì bị nhìn chằm chằm.

Để có một quá trình giao tiếp ánh mắt thuận lợi, hãy thử sử dụng “Kỹ thuật 4 góc”. Điều này liên quan đến việc xoay vòng từ từ tầm nhìn của bạn theo mô hình kim cương quanh xung quanh đôi mắt người đối diện, bắt đầu từ phần dưới của trán sau đó di chuyển đến các góc khác của mắt và cuối cùng quay về trán. Kỹ thuật này cần được thực hành trước, vì sẽ khá đáng sợ khi nhà tuyển dụng nhìn thấy một người với đôi mắt xoay vòng không kiểm soát, thiếu tập trung. Hãy thực hành nó với bạn bè đến khi kỹ thuật này trở nên nhuần nhuyễn.

 

8. Giải quyết câu hỏi: “Điểm yếu của bạn là gì?”

Một số ứng viên thường sử dụng một điểm tích cực thái quá như là điểm yếu của bản thân, ví dụ: “Điểm yếu của tôi là quá cầu toàn.”

Nhà tuyển dụng không chỉ biết thừa mẹo này, mà còn đánh giá thấp những người liều lĩnh sử dụng nó.

Cách an toàn nhất trong tình huống này là trung thực và nói ra một điểm yếu mà bạn có thể cải thiện trong tương lai, đồng thời cần thận không để nó đi quá xa và trở thành điểm làm mất lòng tin của nhà tuyển dụng nơi bạn.

 

9. Để tay bạn nơi nhà tuyển dụng có thể nhìn thấy.

Con người thường có nhu cầu bản năng muốn nhìn vào bàn tay của người đối diện. Thật vậy, thói quen bắt tay được cho là có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại với lý do: 2 người gặp gỡ và muốn chắc chắn rằng người kia không mang theo vũ khí có khả năng làm hại họ.

Nhà tuyển dụng chắc không nghi ngờ rằng bạn mang theo một khẩu súng cao su dưới bạn, nhưng việc bạn để tay thoải mái trên bàn làm bạn có vẻ đáng tin cậy hơn. Bạn tốt nhất nên đan các ngón tay vào nhau để tránh những hành động vô thức thể hiện sự thiếu tập trung, như vuốt tóc chẳng hạn.

 

10. Sử dụng câu hỏi để củng cố các mặt tích cực.

Hầu hết nhà tuyển dụng sẽ kết thúc buổi phỏng vấn với câu hỏi: “Bạn có gì cần hỏi không?”. Lúc đó, nhà tuyển dụng hy vọng bạn sẽ đưa ra một số thắc mắc thể hiện sự quan tâm với công ty hay sự nhiệt tình với vị trí công việc ứng tuyển.

Để có tác dụng tối đa, hãy liên kết câu hỏi này với kỹ năng, kinh nghiệm, sở thích tích cực của bạn.

Ví dụ: Thay vì chỉ yêu cầu vị trí công tác ở nước ngoài, bạn có thể nói thêm gì đó như: “Tôi thông thạo tiếng Tây Ban Nha và có rất nhiều kinh nghiệm sống và làm việc ở nước ngoài. Công ty có một văn phòng mới ở Nam Mỹ, và tôi tự hỏi liệu mình có thể đảm nhiệm một vị trí ở đó. Đó là nơi mà tôi thực sự cho rằng bản thân có thể phát triển mạnh trong dài hạn.”

 

SAU BUỔI PHỎNG VẤN

11. Kết nối với nhà tuyển dụng trên LinkedIn (nếu được phép).

Các phương tiện truyền thông xã hội đang ngày càng được ứng dụng nhiều vào các công tác tuyển dụng lẫn chuyên môn của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên nó không thể thay thế cho một email cảm ơn gửi đến công ty ứng tuyển. Đây là cách tuyệt vời nhắc nhở họ về sự tồn tại của bạn. Ngay cả khi bạn không trúng tuyển, đây có thể là khởi đầu cho một mối quan hệ chuyên nghiệp và hiệu quả sau này.

Lưu ý: Đừng mời các nhà tuyển dụng kết nối trên mạng xã hội nếu chưa xin phép họ khi phỏng vấn và hãy gửi kèm theo một thông điệp ngắn gọn (bắt đầu từ câu hỏi trong buổi phỏng vấn chẳng hạn). Tốt hơn hết, hãy gửi họ link một bài viết về vấn đề mà bạn đã thảo luận trong buổi phỏng vấn nhé.

→ Xem thêm:

Top 15 từ nên và không nên xuất hiện trong CV tiếng Anh

Leave us a Reply