Hầu hết mọi người đều dành gần nửa thời gian trong ngày ở nơi làm việc. Vì vậy, nếu bạn gặp khó khăn trong mối quan hệ với sếp thì toàn bộ khoảng thời gian đó sẽ giống như “tra tấn”. Một số người sẽ phản ứng bằng cách im lặng và chịu đựng. Tuy nhiên, để có thể làm tốt công việc dưới áp lực như vậy quả không dễ dàng. Một số người khác lại chọn cách lôi kéo đồng nghiệp vào những “trò chơi chính trị” nơi công sở. Nhưng cách này lại gây ra những hậu quả khôn lường cho sự nghiệp, chưa kể nó còn liên quan đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp.
Để thể hiện bản thân tốt nhất ở môi trường làm việc, bạn không chỉ cần kiến thức chuyên môn chắc chắn mà còn cần trang bị những kỹ năng mềm mà một trong số đó là kỹ năng quản lý các mối quan hệ hiệu quả – bao gồm mối quan hệ với cấp trên.
Dưới đây là một số cách làm hiệu quả và “chính trực” giúp bạn có được mối quan hệ tốt không chỉ với sếp mà còn với cấp dưới
1. Hãy là một người giải quyết vấn đề, đừng tạo thêm rắc rối cho người khác
Vấn đề luôn luôn xuất hiện và đôi khi cách đơn giản nhất để giải quyết chúng là hãy ngừng dấn sâu hay liên tục nhắc đến rắc rối. Một người giải quyết vấn đề hiệu quả là người không tạo thêm khó khăn hay làm cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng. Qua thời gian, bạn sẽ tự học được cách luôn luôn có kế hoạch dự phòng để kịp thời ứng phó trước mỗi khó khăn.
2. Cố gắng giữ bình tĩnh ngay cả khi mọi thứ xung quanh đang hỗn loạn
Khi mọi chuyện không được như ý, điều cuối cùng bạn có thể làm để vớt vát lại là thả lỏng tâm trí. Thật dễ dàng để trở nên vui vẻ khi sự việc đang thuận buồm xuôi gió; tuy nhiên, bạn chỉ có thể tạo nên sự khác biệt và lội ngược dòng khi có thể giữ được một tâm trí thông suốt trong hoàn cảnh khó khăn.
3. Luôn luôn chịu trách nhiệm thay vì đổ lỗi cho người khác
Cuộc sống, công việc, và danh tiếng của bạn ngày hôm nay đều là tất cả những gì bạn gầy dựng lên. Vì vậy, đừng đổ lỗi cho người khác nếu bạn đang thất bại hay khó khăn. Thay vào đó, hãy thể hiện bản lĩnh của một người trưởng thành bằng cách dành thời gian để suy ngẫm lại bản thân, xác định những điểm cần cải thiện và cách thức để vượt qua khủng hoảng, cũng như những bài học để tránh đi vào vết xe đổ. Để là một người đầy tinh thần trách nhiệm không phải chuyện dễ dàng, vì vậy nếu sở hữu được nét tính cách này thì chắc chắn bạn sẽ rất có “giá trị” trong mắt sếp.
4. Thể hiện rõ mức giới hạn của bản thân
Nếu không cẩn thận thì bạn sẽ dễ rơi vào cái bẫy thường gặp của người đi làm công khi nghĩ rằng sếp luôn luôn muốn mình làm việc hết 100% công suất. Tuy nhiên, việc mạnh rạn đặt ra giới hạn cho thấy rằng bạn là một người thông mình, bạn biết cách quan tâm đến sức khỏe của bản thân và bạn không ngại nói lên mong muốn chính đáng của mình. Đừng cố gắng chứng minh hay xin lỗi khi đưa ra mức giới hạn của bản thân; bạn chỉ cần thể hiện điều đó một cách bình tĩnh, chắc chắn và thể hiện sự tôn trọng là đủ.
5. Đừng bao giờ viện cớ
Trước những lỗi lầm do vô tình hay hữu ý gây ra, việc viện lý do sẽ chẳng giúp ích gì cho sự nghiệp của bạn. Cuối cùng bạn sẽ chỉ để lý ấn tượng cho sếp, đồng nghiệp hay cấp dưới rằng bạn là kẻ không đáng tin cậy. Vì vậy, hãy cố gắng giảm thiểu đến mức tối đa lỗi sai bằng cách tập trung vào công việc, sẵn sàng gánh vác trách nhiệm và sửa chữa sai lầm để công việc chung trở nên tốt hơn.
6. Giúp cấp trên “nở mày nở mặt”
Về lâu dài, không ai có thể khiến cho bản thân trở nên tuyệt vời hơn bằng cách hạ thấp người khác xuống. Đặc biệt khi sếp của bạn không may gặp khó khăn trong công việc thì cách khôn ngoan nhất là hãy hỗ trợ hết mức để giúp cải thiện tình hình mà không làm sếp mất mặt. Khi bạn giúp sếp thoát khỏi những hoạt cảnh ngặt nghèo một cách khôn khéo, bạn đang tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với sếp và điều này sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trên bước đường thăng tiến.
7. Luôn đem lại năng lượng tích cực cho đội nhóm
Để giữ những suy nghĩ tích cực trong mọi hoàn cảnh, bạn cần phải có một chút kỷ luật với bản thân. Giữ tinh thần tích cực trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Ví dụ như khi đồng nghiệp phàn nàn về những giới hạn khiến công việc trở nên khó khăn hơn, hãy tìm ra những điểm tích cực của sự việc và lấy lại tinh thần cho đội nhóm.
Những phương pháp trên đây không chỉ phù hợp với việc xây dựng mối quan hệ với cấp trên mà còn đúng với bất kỳ mối quan hệ nào khác trong cuộc sống. Để có được thành quả, bạn cần sự kiên trì, đầu tư thời gian, công sức và cả sự nhạy bén để thấu hiểu nhu cầu thực sự của đối phương. Điều quan trọng nhất luôn là giúp cho mọi người cảm thấy được quan tâm, tôn trọng, hạnh phúc, từ đó bạn sẽ dần dần dành được thiện cảm và sự tin tưởng của những người xung quanh.
–UniTrain sưu tầm và biên dịch—
Xem thêm
Kỹ năng cơ bản của Nhà quản trị hiện đại
Tầm quan trọng của kiến thức tài chính đối với nhà quản trị
Khóa học Quản trị Tài chính doanh nghiệp