Nộp hồ sơ ứng tuyển, chờ đợi trong hồi hộp và thất vọng vì không nhận được thư hồi âm từ nhà tuyển dụng. Bạn tự nhủ có lẽ hồ sơ của mình bị lạc mất, hay đơn giản là kinh nghiệm hoặc kỹ năng của mình chưa phù hợp với vị trí ứng tuyển. Tuy nhiên, nhiều khả năng là hồ sơ của bạn hoàn toàn phù hợp nhưng vì một lỗi chính tả, cách  sắp xếp bố cục lộn xộn hoặc liệt kê những thông tin không cần thiết,… khiến cho hồ sơ của bạn ngay lập tức bị loại trong 6 giây đầu tiên.

Tina Nicolai, chuyên viên cố vấn phát triển nghề nghiệp kiêm nhà sáng lập ResumeWritersInk.com gợi ý 7 điều sau bạn nên cân nhắc trước khi đưa vào hồ sơ xin việc của mình.

1. Mục tiêu nghề nghiệp

Bạn nộp hồ sơ ứng tuyển chứng tỏ bạn có quan tâm đến vị trí này. Nhưng nếu mục tiêu nghề nghiệp chỉ nói chung chung rằng “Tôi muốn trở thành XYZ, làm việc trong một môi trường năng động và chuyên nghiệp,…” – tức nội dung không nêu lên được những điểm mạnh của bản thân để ghi điểm với nhà tuyển dụng, tốt nhất bạn nên bỏ qua mục này để dành chỗ cho những thông tin cần thiết hơn.

Tuy nhiên, trong tình huống đặc biệt như bạn muốn chuyển ngành, nhà tuyển dụng cần được biết lý do vì sao qua một đoạn tóm tắt ngắn ở phần này

2. Những kinh nghiệm không liên quan

Trong 6 giây đầu tiên, nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm những “keywords” về kinh nghiệm, chuyên môn trong hồ sơ của bạn để đảm bảo bạn phù hợp với vị trí ứng tuyển. Kinh nghiệm trong công việc bán thời gian (phục vụ) tại một nhà hàng sẽ không giúp ích gì cho bạn trừ khi bạn mong muốn trở thành quản lý nhà hàng.

3. Những thông tin quá cá nhân

Tình trạng hôn nhân, tôn giáo, hay liệt kê sở thích cá nhân là những thông tin không cần thiết trong hồ sơ ứng tuyển. Với 6 giây ngắn ngủi, hãy thuyết phục nhà tuyển dụng với những thông tin chứng tỏ rằng bạn chính là người họ đang tìm kiếm. Chẳng hạn bạn có thể liệt kê những thành tích trong công việc trước đây, những khóa học bạn đã tham dự giúp bạn cập nhật kiến thức để cải thiện công việc,…

4. Thông tin người tham khảo

Nếu nhà tuyển dụng muốn xác minh qua người tham khảo, họ sẽ hỏi xin phép bạn. Quan trọng hơn, bạn có thể thông báo cho người tham khảo của mình về việc xác minh thông tin này để họ có sự chuẩn bị. Vì vậy, không cần thiết phải liệt kê thông tin liên lạc của tất cả những người tham khảo bạn có trong hồ sơ.

5. Đại từ nhân xưng

Nhà tuyển dụng đủ thông minh để hiểu rằng tất cả thông tin trong hồ sơ là của bạn. Vì vậy, không cần phải dùng đại từ nhân xưng như “tôi” hay “của tôi”.

6. Địa chỉ email thiếu chuyên nghiệp

Sử dụng những địa chỉ email bắt đầu bằng những nickname như boy_dep_chai@…., hay co_be_doi_hon123@….có thể bị đánh giá thiếu chuyên nghiệp/nghiêm túc.

Chỉ mất vài giây và hoàn toàn miễn phí để tạo một tài khoản email mới với tên địa chỉ là tên riêng của bạn để thể hiện tác phong chuyên nghiệp.

7. Thông tin về lương

Một số người thường cung cấp thông tin về lương trong hồ sơ. Việc này hoàn toàn không cần thiết và đôi lúc khiến nhà tuyển dụng hiểu sai. Bạn cũng không nên để mức lương mong muốn vào hồ sơ vì đàm phán lương là giai đoạn sau khi phỏng vấn.

Xem thêm: 

Khóa học Kỹ năng chuẩn bị CV và phỏng vấn

Lưu ý viết CV cho người chưa có kinh nghiệm

Leave us a Reply