Bất kỳ ai làm trong hoặc thậm chí ngoài ngành tài chính-kế toán chắc hẳn cũng từng ít nhất một lần nghe nói đến cụm từ “Báo cáo tài chính”. Tuy nhiên, với những người không có chuyên môn về lĩnh vực này thì hiểu biết có lẽ mới chỉ dừng lại ở cái tên.
Trong khi đó, với cấp quản lý, để điều hành doanh nghiệp hiệu quả, thì kiến thức về tài chính – kế toán không thể thiếu vì tài chính – kế toán gắn liền với dòng tiền, mà dòng tiền được ví như sự sống của doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ bài viết ngắn này, UniTrain hy vọng có thể cung cấp cho bạn đọc hiểu biết nền tảng nhất về khái niệm “Báo cáo tài chính”.
“Báo cáo tài chính” là một hệ thống các số liệu và phân tích cho ta biết tình hình tài sản và nguồn vốn, luồng tiền và hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp. Báo cáo tài chính có 4 loại chính sau:
– Bảng cân đối kế toán (Balance sheet/Statement of financial position)
– Báo cáo kết quả kinh doanh (Income statement/Statement of profit or loss)
– Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và (Cash flows/Statement of cash flows)
– Thuyết minh báo cáo tài chính (Notes)
1. Bảng cân đối kế toán (Balance sheet/Statement of financial position )
Bảng cân đối kế toán hay còn gọi là báo cáo tình hình tài chính, cho biết tình trạng tài sản của công ty, nợ và vốn cổ đông vào một thời điểm ấn định, thường là cuối tháng, cuối quý, cuối năm.
Đây là một cách để xem xét một công ty kinh doanh dưới dạng một khối vốn (tài sản) được bố trí dựa trên nguồn của vốn đó (nợ và vốn cổ đông). Tài sản tương đương với nợ và vốn cổ đông nên bản cân đối tài khoản là bản liệt kê các hạng mục sao cho hai bên đều bằng nhau.
Bảng cân đối kế toán có vai trò hết sức quan trọng đối với bất kỳ một doanh nghiệp nào, không những phản ánh vừa khái quát vừa chi tiết tình trạng tài sản và vốn của doanh nghiệp mà còn là minh chứng thuyết phục cho một dự án vay vốn khi doanh nghiệp trình lên ngân hàng, và đồng thời cũng là căn cứ đáng tin cậy để các đối tác xem xét khi muốn hợp tác với doanh nghiệp.
Bảng cân đối kế toán có những đặc điểm chủ yếu sau đây:
» Các chỉ tiêu được biểu hiện dưới hình thái giá trị (tiền) nên có thể tổng hợp được toàn bộ tài sản hiện có của doanh nghiệp đang tồn tại dưới các hình thái (cả vật chất và tiền tệ, cả vô hình lẫn hữu hình) .
» Bảng cân đối kế toán được chia thành hai phần: tài sản doanh nghiệp và nguồn vốn hình thành nên tài sản (nợ và vốn cổ đông). Do vậy, số tổng cộng của hai thành phần này luôn bằng nhau.
» Bảng cân đối kế toán phản ánh vốn và nguồn vốn tại một thời điểm nhất định. Thời điểm đó thường là ngày cuối cùng của kỳ hạch toán hay niên độ tài chính của doanh nghiệp.
2. Báo cáo kết quả kinh doanh (Income statement/Statement of profit or loss )
Không giống như Bảng cân đối kế toán tại một thời điểm, Báo cáo kết quả kinh doanh phản ánh kết quả tích lũy của hoạt động kinh doanh trong một khung thời gian xác định.
Báo cáo kết quả kinh doanh cho biết liệu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có đem lại lợi nhuận hay không – nghĩa là liệu thu nhập thuần (lợi nhuận thực tế) dương hay âm. Đó là lý do tại sao Báo cáo kết quả kinh doanh thường được xem là báo cáo lỗ lãi.
Ngoài ra, nó còn phản ánh lợi nhuận của công ty ở cuối một khoảng thời gian cụ thể – thường là cuối tháng, quý hoặc năm tài chính của công ty đó. Đồng thời, nó còn cho biết công ty đó chi tiêu bao nhiêu tiền để sinh lợi – từ đó bạn có thể xác định được tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu của công ty đó.
Cũng như với Bảng cân đối kế toán, phân tích Báo cáo kết quả kinh doanh của một công ty được hỗ trợ rất nhiều khi thể hiện bằng định dạng đa kỳ (ít nhất là 2 kỳ). Điều này cho phép chúng ta phát hiện các xu hướng và sự chuyển biến (tăng trưởng hay suy giảm). Hầu hết các báo cáo thường niên cung cấp các dữ liệu đa kỳ, trong vòng 2 năm hoặc hơn (các báo cáo của các công ty nước ngoài thường là 5 năm).
3. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Cash flows/Statement of cash flows )
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ là một báo cáo tài chính cung cấp thông tin về những nghiệp vụ kinh tế có ảnh hưởng đến tình hình tiền tệ của doanh nghiệp. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được lập trên cơ sở cân đối thu chi tiền mặt, phản ánh việc hình thành và sử dụng lượng tiền phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp.
Lượng tiền phát sinh trong kỳ bao gồm: vốn bằng tiền và các khoản đầu tư ngắn hạn được xem là tương đương tiền.
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ có vai trò quan trọng trong việc cung cấp những thông tin liên để đánh giá khả năng kinh doanh tạo ra tiền của doanh nghiệp, chỉ ra được mối liên quan giữa lợi nhuận ròng và dòng tiền ròng, phân tích khả năng thanh toán của doanh nghiệp và dự đoán được kế hoạch thu chi tiền cho kỳ tiếp theo.
Theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) số 24 – Báo cáo lưu chuyển tiền tệ ban hành theo Quyết định số 165/2002/QĐ-BTC ngày 31/12/2002, doanh nghiệp phải trình bày các luồng tiền trong kỳ trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo 03 loại hoạt động: hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư, hoạt động tài chính.
4. Thuyết minh báo cáo tài chính (Notes)
Bản thuyết minh Báo cáo tài chính là một bộ phận hợp thành không thể tách rời của Báo cáo tài chính doanh nghiệp dùng để mô tả mang tính tường thuật hoặc phân tích chi tiết các thông tin số liệu đã được trình bày trong Bảng Cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng như các thông tin cần thiết khác theo yêu cầu của các chuẩn mực kế toán cụ thể.
Bản thuyết minh Báo cáo tài chính cũng có thể trình bày những thông tin khác nếu doanh nghiệp xét thấy cần thiết cho việc trình bày trung thực, hợp lý Báo cáo tài chính.
Trên đây là phần giới thiệu tổng quan về 4 loại báo cáo tài chính mà bất kỳ người làm tài chính – kế toán hoặc chủ doanh nghiệp/ quản lý cấp cao nào cũng cần nắm để có sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực này.
–Xem thêm
Chia sẻ tài liệu – Bản tin Kiểm toán – RSM
Khóa học ACCA F3 – Financial Accounting