Trong môi trường bị cạnh tranh nhân lực rất khắc nghiệt, 4 hãng kiểm toán lớn nhất thế giới là Deloitte Touche Tohmatsu, Ernst & Young, KPMG và PricewaterhouseCoopers (PwC) đã nổi lên như những tập đoàn biết cách quản lý và gìn giữ nhân tài tốt nhất thế giới.
4 hãng này đang sử dụng khoảng 500.000 nhân lực rải trên khắp thế giới. Có nhiều tập đoàn toàn cầu có lượng nhân viên lớn bằng và hơn họ. Song không giống đa số đó, họ là những hãng thực chất hiểu và làm đúng tôn chỉ: con người là tài sản quý nhất của công ty.
Sản phẩm của 4 đại gia này trước hết tới từ tri thức của các nhân viên cũng như các kênh quan hệ của họ với đối tác và khách hàng. Do vậy, họ tự thừa nhận trọng trách lớn nhất của lãnh đạo là tìm kiếm và gìn giữ những nhân viên sáng giá.
Mọi công ty đều có thể nói rằng con người là tài sản quý nhất của công ty. Song thực hiện nó như 4 đại gia trên thì không phải ai cũng làm được.
Trong kế hoạch kinh doanh của Deloitte tới năm 2010, một trong những mục tiêu được vạch ra là thu nhập của nhân viên phải tăng theo lộ trình vạch sẵn, đồng thời quy định rõ số cán bộ nữ phải có cho tới năm đó.
Trong kế hoạch kinh doanh của PwC, có tới 1/3 hạng mục dành để nói về các vấn đề liên quan tới nhân lực! Còn KPMG lại nêu rõ, một trong các tiêu chí xét tăng lương và thăng tiến cho các nhân viên là thời gian mà họ dành để quan tâm và giải quyết những vấn đề liên quan tới con người. Nói cách khác, họ càng dành nhiều thời gian cho công tác nhân sự, cơ hội của họ càng lớn.
Có thể thấy, Big Four không phấn đấu để lượng nhân viên của mình ngày càng lớn, trở thành khổng lồ thông qua số lượng. Thay vào đó, họ cố gắng phấn đấu để thu về ngày càng nhiều các “nỗ lực nhằm tìm kiếm và gìn giữ những nhân viên sáng giá nhất”.
Một trong các chính sách mà cả 4 hãng ưa dùng là chính sách nhân sự kiểu “boomerangs”. Đó là những nỗ lực duy trì quan hệ với những người vì lý do nào đó phải rời công ty. Rất nhiều trong số này đã có cửa và có dịp quay trở lại làm việc tại công ty họ đã rời đi. Theo các chuyên gia nhân sự, tìm nhân tài mới khó nhọc và tốn công nhiều hơn giữ quan hệ để rồi thu phục lại những nhân tài cũ.
Thái độ không phân biệt đối xử đối với nhân viên được Big Four luôn luôn quan tâm cao độ. Dễ thấy nhất là việc mỗi công ty trong số 4 hãng này đều đề ra chính sách rõ ràng: quyết tâm nâng tỷ lệ nhân viên nữ lên chiếm ít nhất 1/4 tổng nhân lực, dù hoạt động trong ngành này đòi hỏi những yêu cầu rất cao, áp lực công việc rất lớn.
Tính linh hoạt về công việc và địa bàn hoạt động dành cho nhân viên cũng là một sức hút đối với nhân tài thời đại mới. Nhờ tầm hoạt động trải rộng, các nhân viên được luân chuyển công việc và địa bàn trên phạm vi toàn cầu, rất thu hút với những người trẻ tuổi ham tìm hiểu và ưa thử thách.
Nhiều nhân tài đã coi điều đó quan trọng hơn cả thu nhập, nên khi được đáp ứng, họ đã đáp lại bằng lòng trung thành với công ty.
Và còn rất nhiều những chính sách nhỏ, những hành động cụ thể luôn được ban lãnh đạo của 4 hãng kiểm toán lớn nhất thế giới này áp dụng và tìm tòi thêm để áp dụng nhằm thu hút nhân tài.
Nhiều chuyên gia cho rằng chính nhờ việc hiện thực hoá được tôn chỉ “con người là tài sản quý nhất của công ty” mà Big Four đã đạt được những thành tựu ấn tượng, ngay cả trong những lúc khó khăn của thị trường.
Tăng trưởng lợi nhuận của Big Four gần đây đạt mức trung bình 15-20% mỗi năm, một mức tăng trưởng rất ấn tượng nếu đem so với mức tăng trưởng lợi nhuận của ngành này là 5%.
< Nguồn Vietnamnet>
— Xem thêm