Khái niệm về cuộc sống cân bằng sẽ khác nhau tùy từng cá nhân. Hơn thế nữa, hoàn cảnh sống của mỗi người mỗi khác. Vì vậy sẽ không có công thức chung nào cho tất cả mọi người để có một cuộc sống cân bằng giữa công việc và gia đình. Nhưng những chiến thuật dưới đây chắc chắn sẽ giúp bạn giảm thiểu các căng thẳng và tận hưởng cuộc sống hạnh phúc.
1. Lập kế hoạch hiệu quả với phương pháp Ivy Lee
Phương pháp Ivy Lee là một kỹ thuật năng suất phổ biến và hiệu quả.
Cách thức hoạt động: Hãy tranh thủ dành 15 phút khi con bạn đã ngủ và viết ra 6 điều quan trọng nhất mà bạn cần phải hoàn thành vào ngày mai. Tiếp theo, ưu tiên chúng theo thứ tự quan trọng. Buổi sáng hôm sau khi thức giấc, bạn hãy thực hiện ngay nhiệm vụ đầu tiên. Sau khi hoàn thành, hãy chuyển sang phần thứ hai và tiếp tục tương tự với những công việc còn lại. Bất cứ điều gì còn dang dở sẽ được chuyển sang ngày hôm sau.
Tạo thói quen lập lịch trình hàng ngày để có thể dễ dàng kiểm soát và làm chủ thời gian, công việc cả ngày của bạn. Ngoài ra việc lập kế hoạch và lần lượt hoàn thành từng đầu việc trong ngày giúp bạn có cảm giác hạnh phúc khi đạt được những thành tích “nho nhỏ”. Điều này rất quan trọng vì nó sẽ giúp giữ tinh thần lạc quan, tự tin cho bạn về lâu dài.
Ngoài ra, bạn cũng nên tạo một lịch trình cho con bạn. Một lịch trình riêng cho trẻ em không chỉ giúp bạn tổ chức và làm việc hiệu quả mà còn tạo cho trẻ những thói quen tốt. Ví dụ, bạn có thể thiết lập thời gian đi ngủ và các hoạt động mà trẻ có thể làm trong khi bạn làm việc.
2. Cần biết ưu tiên những việc thực sự quan trọng
Một ngày chỉ có 24 tiếng đồng hồ. Vì vậy, bạn cần biết điều gì nên ưu tiên, điều gì buộc phải hy sinh đánh đổi. Bạn không thể ôm đồm quá nhiều việc một lúc. Để hoàn thành thật tốt những công việc quan trọng hãy loại bỏ vài cuộc họp không cần thiết hay những dự án tốn thời gian và cả tiền bạc.
Tuy vậy, đối với gia đình, bạn không nên tiết kiệm thời gian của mình. Hãy về nhà sớm một chút để cùng ăn tối với gia đình. Hãy tranh thủ những giây phút cuối tuần trọn vẹn bên vợ con bạn. Bạn có thể tranh thủ làm việc khi con bạn đã ngủ nhưng đừng ăn bớt thời gian những lúc chơi và ở bên cạnh con.
3. Cho trẻ tham gia vào công việc cùng với bạn
Điều này không có nghĩa là bạn bắt trẻ tham gia toàn bộ thời gian vào công việc của mình mà hãy sáng tạo để có thể dành thời gian cho con và cho công việc cùng một lúc.
Ví dụ, một vài hoạt động như tiếp thị, thử nghiệm sản phẩm có thể phù hợp với trẻ. Tùy thuộc vào doanh nghiệp của bạn và tuổi của con bạn, sẽ có những cách để thực hành nhiều hơn. Đôi khi, trẻ con có thể trực tiếp tham gia tạo ra các sản phẩm kinh doanh cho công ty.
Hoặc khi bạn dành cuối tuần để dọn nhà, hãy hướng dẫn trẻ làm những việc cơ bản, vừa sức. Điều này không chỉ giúp bạn tạo được kết nối với trẻ mà còn giáo dục trẻ biết yêu lao động, sống có trách nhiệm.
4. Quy tắc “touch it once”- hoàn thiện công việc trong lần đầu tiên
Chuyên gia năng suất Nicole Bandes nói rằng: “Chúng ta tốn khá nhiều thời gian vào một công việc và lúc sau lại tiếp tục làm việc đó vì chúng ta không hoàn thiện nó từ lần đầu tiên”. Vậy giải pháp ở đây là gì? Hãy hoàn thành công việc trong lần đầu tiên!
Hãy liên hệ đến “Quy tắc 2 phút” của David Allen. Bất cứ khi nào bạn chạm vào một cái gì đó, chẳng hạn như một email cần phải nộp – hành động ngay lập tức. Nếu bạn thực hiện nhiệm vụ nhỏ này một cách nhanh chóng, bạn không có một danh sách khổng lồ những việc mình phải phải hoàn thành cho sau này. Hoàn thành và kết thúc công việc một cách gọn gàng, nhanh chóng sẽ không làm lộn xộn tâm trí hoặc không gian làm việc của bạn.
5. Luôn luôn ưu tiên sức khỏe
Mỗi ngày bạn có thể chỉ dành ra 10 phút để tập thể dục hoặc thiền và thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh. Bạn thậm chí có thể thực hiện những hoạt động đó ngay trong văn phòng của mình khi nghỉ ngơi vào buổi chiều hay tập luyện cùng trẻ.
Bằng cách tự chăm sóc bản thân, bạn sẽ bớt lo lắng, căng thẳng và sẽ có năng lượng vừa làm tốt bổn phận cha mẹ vừa là một doanh nhân thành đạt.
<UniTrain sưu tầm>
Xem thêm
8 sự thật phũ phàng này sẽ giúp bạn trưởng thành
7 cách thông minh để “quản lý” sếp hiệu quả
“Trăn trở” và “cú hích” cho sự nghiệp của bạn