Ngay cả trong thời đại công nghệ thông tin với sự phát triển vượt bậc của tin học văn phòng thì việc ghi chép thủ công bằng tay vẫn chứng tỏ được những ưu thế riêng không dễ gì thay thế được. Tuy nhiên, không phải ai cũng thực sự biết áp dụng cách ghi chép thủ công một cách hiệu quả nhất! Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn ghi chép thông minh và ghi nhớ lâu hơn.

 

#Lựa chọn phương pháp ghi chú hiệu quả.

Hầu hết các mô hình ghi chú hiện nay đều dựa trên nguyên tắc chung: Đừng chép hết – hãy chọn lọc. Dưới đây là 3 mô hình được sử dụng phổ biến nhất.

1. Ghi chú dạng xương (Skeleton Prose)

Đây là mô hình ghi chép cho phép các thông tin được sắp xếp theo đoạn văn với tiêu đề rõ ràng và có sắp xếp theo thứ tự. Cách ghi chép này khá dễ dàng và nhanh chóng vì đơn giản chỉ là lắng nghe một cách thụ động và chép lại. Chính vì thế khó để thêm thắt hay chỉnh sửa nội dung đã ghi chép và không thể hiện mối quan hệ giữa các phần khác nhau. Người ghi chép dễ rơi vào tình trạng đọc – chép thụ động.

2. Ghi chú dạng Cornell (Cornell Note Taking System)

Phương pháp ghi chú này là một dạng ghi chú đặc biệt hiệu quả khi ghi chép trên lớp và ôn tập trước kì thi. Thông tin được tổ chức bài bản, rõ ràng, dễ xem lại và rất linh động khi thêm bớt, phù hợp để tổng hợp các từ khóa chính.

Cách thực hiện:

Trước bài giảng cần chuẩn bị:

  • Chia vở thành 2 phần theo chiều dọc, phần bên trái chiếm 2/3 trang.
  • Cột bên trái ghi tiêu đề: Từ khóa/ Câu hỏi. Cột bên phải ghi tiêu đề: Ghi chú/ Chú ý.
  • Kẻ ô “Tổng hợp” ở cuối mỗi trang giấy.

Trong quá trình nghe giảng:

  • Ghi chú các thông tin vào cột bên phải. Lưu ý, chỉ tập trung vào các ý kiến quan trọng, những điều mâu thuẫn hay các dấu mốc thời gian,…
  • Viết tắt khi có thể và chừa khoảng trống giữa các ghi chú để có thể thêm bớt dễ dàng.

24 tiếng sau bài giảng:

  • Đọc lại phần đã ghi chép. Tóm tắt các ý chính ở ô Tóm tắt cuối mỗi cột.
  • Ghi những từ khóa (ở cột bên phải) theo dạng câu hỏi vào cột bên trái
  • Che phần cột bên phải và tự hỏi bản thân những câu hỏi ở cột bên trái để đánh giá xem bạn trả lời được bao nhiều phần trăm.
  • Hightlight, đánh dấu sao, dấu đầu dòng,… sao cho bạn ấn tượng với phần ghi chú nhất có thể.

Tuy nhiên dạng ghi chú này đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị trước và sau bài giảng.

3. Ghi chú dạng Sơ đồ tư duy (Spidergrams, Mind Maps and Concept Maps)

Kiểu ghi chú này lưu trữ thông tin theo dạng bảng biểu trên giấy không dòng kẻ. Cách đơn giản nhất để tạo một sơ đồ tư duy là bắt đầu từ chính giữa trang giấy với tiêu đề lớn nhất – quan trọng nhất và từ đó tỏa ra các nhánh, từ các nhánh nhỏ này lại tiếp tục những nhánh khác nhỏ hơn. Phương pháp này sẽ phát huy hiệu quả cao khi dùng để ôn tập, tổng hợp lại các kiến thức đã học hoặc tổ chức các ý khi viết một bài luận.

Cách ghi chú này cho phép bạn thấy một lượng lớn thông tin chỉ trong 1 trang giấy, từ khóa quan trọng nhất luôn nổi bật ở giữa trang. Sơ đồ tư duy cũng cho thấy được sự kết nối giữa các ý và dễ dàng thêm bớt thông tin.

#Hai trường hợp cần ghi chú phổ biến nhất

Bên cạnh việc tìm hiểu các cách ghi chú thì bạn cũng nên lưu tâm đến việc linh động sử dụng các cách này trong các trường hợp khác nhau. Sau đây là 2 trường hợp tiêu biểu nhất cùng những lưu ý để bạn có thể phát huy tối đa hiệu quả của việc ghi chép bằng tay.

1. Ghi chú từ tài liệu in sẵn

Hãy tỉnh táo và chọn lọc. Bắt đầu bằng việc đọc lướt nội dung và mục lục của tài liệu để tìm ra những phần thông tin nào là có ích.

Trong quá trình ghi chép:

  • Ghi lại các từ khóa, gạch chân và tô màu các ý chính
  • Ghi lại các ý tưởng của riêng bạn để giữ thế chủ động khi tiếp nhận thông tin và dễ ôn tập hơn vì đó là ngôn từ và suy nghĩ của riêng bạn.
  • Đọc lại phần thông tin đã ghi chép ngay sau khi thực hiện xong để thực sự hiểu và kiểm tra lại độ chính xác của thông tin
  • Hãy chủ động ghi lại những câu hỏi mâu thuẫn với tài liệu để tham khảo thêm ở những nguồn thông tin khác.

2. Ghi chú từ các bài giảng hay bài trình chiếu:

  • Chú ý xem phần giới thiệu khái quát nội dung và mục lục để có cái nhìn tổng quan trước khi đi vào chi tiết.
  • Hãy lắng nghe một cách chủ động. Bởi càng suy nghĩ về thông tin nhận được, bạn càng hiểu, nhớ nhiều hơn và lâu hơn.
  • Xem lại bài đã ghi ngay sau buổi học và liên kết chúng với những bài trước.

#Sắp xếp các ghi chú

Ngay cả khi bạn đã có cho mình bản ghi ưng ý nhất, bạn vẫn nên sắp xếp những ghi chú này một cách có hệ thống. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn trong việc tìm và ôn lại bài cũ.

Những điều quan trọng cần nhớ:

  • Mỗi môn sử dụng một cặp file riêng, trong đó lại phân thành các bài nhỏ
  • Chỉ sử dụng một quyển vở cho một môn học để tránh nhầm lẫn và thống nhất thông tin. Tuyệt đối không nên sử dụng một quyển vở cho nhiều môn học khác nhay bởi sự bừa bãi trong ghi chép sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong việc ôn tập sau này.

Mỗi người đều có một cách lưu trữ thông tin riêng phù hợp với sở thích và khả năng. Tuy nhiều, hai yếu tố quan trọng nhất của việc ghi chép thủ công bằng tay là: chủ động và rõ ràng. Nếu áp dụng tốt hai điều này thì việc ghi chép và ghi nhớ khối lượng lớn thông tin sẽ không còn là vấn đề khó nhằn nữa.

  (Theo Y-Box)

Tags

Leave us a Reply