Bản chất của kế hoạch tài chính là kế hoạch kinh doanh trong tương lai được thể hiện bằng số liệu tài chính cụ thể.

Nói cách khác, đó chính là tổng hợp của tất cả mọi kế hoạch trong một doanh nghiệp. Không thực hiện hoặc thiếu chu đáo trong việc lập kế hoạch tài chính là một trong những yếu tố mang lại rủi ro lớn cho doanh nghiệp.

Lập kế hoạch (Budget) và Điều chỉnh kế hoạch tài chính (Lasted Estimation) của công ty hàng năm là một công việc quan trọng đối với hầu hết những nhà quản trị doanh nghiệp. Trong quá trình chuẩn bị kế hoạch này bạn nhận thức được những vấn đề bạn có thể sẽ đối mặt trong tương lai và xác định cho doanh nghiệp một lộ trình để đi tiếp cụ thể thông qua những thước đo chỉ số tài chính.

Bạn có thể tự xây dựng một kế hoạch tài chính bằng các tính toán thủ công hoặc cũng có thể nhờ sự trợ giúp của các phần mềm và công việc duy nhất của người lập là cung cấp số liệu. Thông thường các kế hoạch tài chính được thiết lập bằng Excel.

Hiện nay những tổ chức tài chính, các trường đại học và các đơn vị hỗ trợ kinh doanh thường tự xây dựng các bảng tính mẫu (templates), trong đó đã thiết lập khung, các liên kết thông số và hệ thống giả định có khả năng điều chỉnh để người dùng có thể tham khảo và sử dụng.

1. Những mục tiêu cần nhắm đến khi tiến hành xây dựng một bản kế hoạch tài chính:

Đầu tiên, kế hoạch tài chính cần truyền đạt được mục đích vận hành của công ty thành những mục tiêu cụ thể.

Nói cách khác, nó phải định nghĩa được rõ những kết quả cụ thể nào (bao nhiêu) thì được coi là đạt mục đích. Nhiều người nghĩ kế hoạch là dạng dự báo, điều này không sai, tuy nhiên nếu được xây dựng tốt với toàn bộ tâm huyết, kế hoạch tài chính còn mang ý nghĩa quan trọng hơn – nó là một sự cam kết nhắm đến đạt mục tiêu đã đề ra trên cơ sở những mốc cụ thể đã thiết lập qua kế hoạch.

Thứ hai, bản kế hoạch tài chính cho ta một công cụ nhận phản hồi và điều chỉnh.

Trong quá trình lập kế hoạch, sai lệch, điều chỉnh là không thể tránh khỏi, thậm chí những sai lệch còn tốt ở khía cạnh cung cấp những tín hiệu cảnh báo về các vấn đề tiềm tàng có khả năng phát sinh. Khi có sai lệch khỏi các thông số đã tính toán, kế hoạch tài chính cho phép xác định chính xác tác động tài chính của những sai lệch cũng như ảnh hưởng của các hành động điều chỉnh.

Thứ ba, kế hoạch được chuẩn bị tốt là công cụ dể dự báo vấn đề có thể phát sinh.

Chẳng hạn nếu doanh nghiệp tăng trưởng quá nhanh làm phát sinh hiện tượng thiếu hụt tiền mặt do có nhiều hàng trong kho hoặc do lượng tiền bị ứ trong các tài khoản phải thu quá lớn,… những điểm này sẽ được phản ánh toàn bộ và chi tiết trong kế hoạch kinh doanh. Nếu doanh thu hay chi phí năm sau phụ thuộc vào một thông số quan trọng trong năm trước đó thì quan hệ này sẽ được mô tả chi tiết trong phần giả thiết mô hình.

2. Có nhiều dạng kế hoạch tài chính khác nhau, tùy thuộc nhu cầu và tính huống lên kế hoạch, cụ thể như:

  • Kế hoạch ngắn hạn (12 tháng trở lại) phục vụ hoạt động kinh doanh ngắn hạn và mang tính chiến thuật. Ví dụ như Dự toán ngân sách cho một năm tài chính.
  • Kế hoạch dài hạn, cho ba đến năm năm hoặc lâu hơn, mang tính chiến lược dài hạn, gắn liền và thích ứng với chiến lược chung của toàn doanh nghiệp.

Kế hoạch tài chính thường bao hàm cả các bảng dự báo Cân đối kế toán và dự báo Kết quả kinh doanh cho các năm lên kế hoạch.

Với người khởi nghiệp, nhà quản trị doanh nghiệp, kế hoạch tài chính có vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định và quản trị hoạt động vận hành của doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp đi đúng hướng và hạn chế rủi ro đối mặt với những khó khăn tài chính có khả năng lường trước.

Ở góc độ khác, kế hoạch tài chính cũng có ý nghĩa với nhà đầu tư. Với những thông tin công bố của một doanh nghiệp cùng những thông tin chung về ngành và những giả thiết hợp lý, nhà đầu tư cũng có thể thiết lập kế hoạch tài chính cho doanh nghiệp. Ở đây, nó nên được gọi là dự báo tài chính có lẽ sẽ chính xác hơn. Với bản dự báo tài chính này, một nhà đầu tư với đầy đủ kiến thức sẽ có cái nhìn sâu và chi tiết vào năng lực hiện tại cũng như tiềm năng kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn thế nữa, kết quả tính toán tốt trong bản dự báo là những thông số rất tốt cho các phân tích mở rộng về doanh nghiệp, cụ thể hơn là về cổ phiếu, trái phiếu của doanh nghiệp.

Hy vọng bài viết này đã cho bạn một cái nhìn sơ khởi về vai trò của việc lập kế hoạch tài chính cũng như những lưu ý khi bắt tay vào lập một bản kế hoạch.

UnTrain tổng hợp và biên tập

Xem thêm 

7 bước đơn giản để lập một bản kế hoạch tài chính

Khóa học Quản trị Tài chính doanh nghiệp 

Khóa học Excel for Analyst