Trong quá trinh ôn thi ACCA không phải chỉ cần quyết tâm và vốn tiếng Anh tốt. Bên cạnh đó, học viên ACCA cần phải rèn luyện nhiều kỹ năng và không ngừng nâng cao kiến thức trong suốt một quá trình học tập vài tháng cho mỗi môn học. Bài viết này sẽ cung cấp cho học viên một số chiến thuật ôn thi hay để áp dụng không chỉ trong giai đoạn ôn thi mà còn trong suốt quá trình học từng môn của chứng chỉ ACCA danh giá.
GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ ÔN THI
1. Nên lựa chọn thi các môn không gần ngày thi với nhau
Đây là mẹo rất hữu ích khi các bạn lựa chọn môn học để thi trong một kỳ thi. Trung bình, học viên ACCA thường thi 2 môn trong mỗi kỳ thi. Một kỳ thi của ACCA sẽ diễn ra trong vòng hơn 1 tuần và lịch thi này được đăng từ trước hàng năm trên website của ACCA, vì thế, các bạn học viên nhớ xem lịch thi để tránh trường hợp học 2 môn có ngày thi cạnh nhau, áp lực sẽ rất lớn. Vì một môn thi diễn ra trong 3 tiếng, vô cùng căng thẳng, nếu hai môn thi cạnh nhau thì rất khó để có thời gian ôn thi ở ngày thứ hai.
2. Nắm vững nội dung thi của từng môn
Lời khuyên này có vẻ ngược với nhiều lời khuyên các bạn đã từng nghe, về việc học theo cách “đoán đề”. Nhưng cách này không chỉ nhiều rủi ro mà còn làm cho học viên lo lắng hơn rất nhiều. Các môn thi của ACCA đều kết cấu chặt chẽ và có liên kết với các môn khác, vì vậy, học đầy đủ toàn bộ nội dung tuy là mất thời gian hơn nhưng lại tiết kiệm thời gian khi học môn kế tiếp.
3. Có kế hoạch ôn tập từ ngay khi biết điểm thi môn trước đó
Đừng ngủ quên trên chiến thắng khi bạn biết đã thi đỗ một môn, hãy tiếp tục luôn, bằng cách lập kế hoạch ôn thi cho môn tiếp theo. Việc này giúp cho các bạn hưng phấn khi bắt đầu môn học mới và chưa quên những kỹ năng ôn thi vừa giúp các bạn thi đỗ môn vừa rồi.
GIAI ĐOẠN ÔN THI
4. Đọc kỹ và phân tích Examiner’s report
Hầu như ít bạn học viên ACCA đọc tài liệu này, nhưng đây lại là nguồn tài liệu chính thống rất quý giá, bởi người ra đề luôn nói về việc sinh viên hay mắc bẫy nào, sai ở đâu, cần phải thể hiện ra sao trong bài thi. Mỗi kỳ thi đều có một báo cáo này, vì thế, các bạn đừng quên đọc kỹ để tránh các bẫy do người ra đề tạo ra trong mỗi bài thi nhé.
5. Sử dụng tối đa tài liệu
Thường thì khi học một môn học của ACCA, các bạn có thể tìm thấy rất nhiều nguồn tài liệu. Hãy lựa chọn nguồn tài liệu hợp với cách học của mình và chỉ cần một nguồn tài liệu đó, miễn là đủ theo nội dung ôn tập là được. Tốt nhất, nên sử dụng sách của các nhà xuất bản được ACCA công nhận. Đọc kỹ và hiểu rõ một quyển sách cụ thể tốt hơn là sưu tầm hàng chục quyển sách của một môn học nhưng không thể đọc hết quyển nào.
6. Hãy tận dụng các kiểu bài học khác nhau
Hiện nay, ngoài các lớp học truyền thống, các bạn học viên có nhiều lựa chọn để học ACCA và có nhiều hình thức rất linh hoạt như khóa học trực tuyến, khóa học ôn tập, khóa học rút gọn… Hãy căn cứ theo kinh nghiệm thực tiễn của mình và lựa chọn khóa học phù hợp với mình nhất.
7. Học từ bài giải
Học từ bài giải, hay là “audit answer” không còn là việc xa lạ với học viên ACCA, nhưng để biết cách audit answer đúng cũng không dễ chút nào. Trước tiên, các bạn nên đọc đề bài, sử dụng khoảng 5-10 phút để viết nháp ra các ý chính, sau đó xem bảng chấm điểm (marking scheme) ở cuối mỗi bài thi. Theo đó, các bạn sẽ biết được cách chia điểm cho mỗi ý và các ý chính là gì. So sánh lại với bản viết nháp của mình, các bạn có thể thấy được cách tư duy và suy nghĩ của mình có phù hợp với bài thi này không và điều chỉnh ngay lập tức, nếu chưa tư duy đúng. Sau đó, các bạn xem bài giải để học cách viết, cách hành văn… và vận dụng cho lần làm bài sau đó.
8. Sổ tay lỗi sai
Sau khi “audit answer” như phần trên, các bạn nên có một quyển sổ tay và ghi vào đó những lỗi mình hay mắc sai sót và các điểm chung thường lặp đi lặp lại tại các bài thi. Quyển sổ tay này rất quý giá vì khi ôn thi hoặc ngày cuối cùng có thể tự nhìn lại và nhắc nhở chính mình. Ngoài ra, các quy luật viết tắt cho dễ nhớ cũng nên được ghi vào đây, để nhìn lại mỗi khi có dịp (ví dụ như cụm từ COMPARE dùng cho các từ viết tắt trong mục tiêu kiểm toán của môn F8 chẳng hạn).
9. Phân tích bài thi trong quá khứ
Đây là việc cần làm khi ôn thi, vì các bạn cần biết mỗi kỳ thi, các câu hỏi thi vào các nội dung gì. Mỗi môn học đều có những chủ đề luôn luôn được hỏi và có những chủ đề chỉ hỏi trong một số kỳ thi, vì thế, các bạn cần biết trọng tâm ở phần nào để ôn tập cho hiệu quả.
10. Không dành quá nhiều thời gian cho lý thuyết
Tất nhiên, học lý thuyết quan trọng, nhưng nếu tổng thời gian cho ôn tập là 100% thì chỉ nên dành 40% cho phần lý thuyết và 60% còn lại để làm bài tập. Càng làm bài tập, kỹ năng của các bạn càng được nâng cao và lý thuyết cũng được củng cố hơn.
Nguyễn Cẩm Chi, FCCA, CPA
Leave us a Reply