Bối cảnh ngành Kế toán ở Việt Nam

Việt Nam đang trong tiến trình đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, mở cửa và hội nhập. Cùng với sự đổi mới kinh tế, hệ thống Kế toán Việt Nam đã và đang cải cách sâu sắc, triệt để, từng bước tiếp cận và hòa nhập với nguyên tắc, thông lệ, chuẩn mực phổ biến trên thế giới. Kế toán, Kiểm toán không chỉ là công cụ quản lý kinh tế – tài chính thuần túy mà đã trở thành một lĩnh vực dịch vụ, một nghề nghiệp được thừa nhận trong nền kinh tế thị trường. Quá trình hình thành và phát triển của thị trường dịch vụ Kế toán Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn: môi trường pháp lý đã được nghiên cứu, soạn thảo, và ban hành tương đối đầy đủ, chi tiết, rõ ràng, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam. Sự ra đời của các hiệp hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán tại Việt Nam (VAA, VACPA) đã có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của thị trường dịch vụ này.
Cùng quá trình hội nhập quốc tế, thị trường Kế toán Việt Nam đang có nhiều biến chuyển theo chiều hướng tích cực. Nhu cầu về nhân lực của ngành vẫn tiếp tục tăng, tạo cho các bạn sinh viên vô số những cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn. Đây cũng là một trong số những ngành có mức thu nhập trung bình và tốc độ thăng tiến tương đối cao (lương cho sinh viên mới ra trường của các công ty kiểm toán khoảng 4-5 triệu/tháng, của Big4 khoảng 7-8 triệu/tháng), con đường thăng tiến rõ ràng, công việc ổn định (job security cao, nguy cơ mất việc thấp), và nhất là sự đa dạng trong nhiệm vụ. Tuy vậy, các bạn cũng nên cân nhắc vô cùng kỹ lưỡng xem bản thân mình có thực sự yêu thích công việc này không.

Các chuẩn mực báo cáo tài chính IFRS

Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, việc lập báo cáo tài chính theo Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (“IFRS”- International Financial Reporting Standards) ngày càng nhận được sự ủng hộ của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ở Mỹ, thị trường nội địa vẫn nằm ngoài khuôn khổ của IFRS và tuân theo Các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung (“GAAP”- General Accepted Accounting Principles). Tuy nhiên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã xác nhận việc đưa IFRS vào các mô hình của Mỹ được coi là nhiệm vụ ưu tiên.

Tại Việt Nam, Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (“VAS”- Vietnamese Accounting Standards) gồm 26 chuẩn mực và Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam (“VSA”- Vietnamese Standards of Auditing) gồm 37 chuẩn mực được xây dựng dựa trên các chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) và Luật Kế toán Việt Nam theo nguyên tắc phù hợp với đặc điểm nền kinh tế và tình hình các doanh nghiệp tại Việt Nam. Khác với VAS/VSA, IAS mặc dù đưa ra rất chi tiết các định nghĩa, phương pháp làm, cách trình bày và những thông tin bắt buộc phải trình bày trong các báo cáo tài chính nhưng IAS không bắt buộc phải sử dụng chung các biểu mẫu báo cáo tài chính, hệ thống tài khoản, các hệ thống chứng từ, sổ kế toán. IAS có bộ khung khái niệm và tính thống nhất cao giữa các chuẩn mực. Ngược lại, VAS/VSA còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng và đặc biệt còn tồn đọng mâu thuẫn giữa các chuẩn mực hoặc không có sự thống nhất giữa chuẩn mực và hướng dẫn về chuẩn mực đó. Thêm nữa, hệ thống pháp luật của Việt Nam rất rườm rà, phải sử dụng nhiều biểu mẫu, giấy tờ, thông qua nhiều công đoạn ở nhiều cấp bậc, khiến cho công việc bị đình trệ, phức tạp không cần thiết. Điều này xuất phát chủ yếu từ việc hệ thống kế toán ở Việt Nam còn quá chú trọng vào khả năng kiểm soát hơn là khả năng quản lí rủi ro và hiệu quả công việc, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư và vận hành ở Việt Nam. Sự khác biệt giữa các chuẩn mực báo cáo tài chính hiện nay tạo lợi thế tạm thời cho các bạn sinh viên đại học trong nước so với các bạn du học sinh hoặc sinh viên các trường quốc tế.
Đến nay, lập báo cáo tài chính theo IFRS đang trở nên ngày càng phổ biến hơn theo yêu cầu của các tập đoàn mẹ, các bên cho vay, cũng như phát sinh từ sự tham gia của các tập đoàn kinh tế lớn vào thị trường vốn quốc tế. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đang trong quá trình ban hành chuẩn mực mới tiếp cận gần hơn với IFRS, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong việc thu hút các nguồn vốn nước ngoài. Các bạn sinh viên bất kể trong hay ngoài nước đều nên theo dõi, cập nhật để nắm bắt nhanh nhất những thay đổi của các chuẩn mực.
-ST-
→ Xem thêm: