Bên cạnh kỳ hạn gửi hoặc vay tiền, số ngân sách sẽ tham gia, lựa chọn ngân hàng uy tín thì lãi suất cũng là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu mà các nhà đầu tư nhất định phải biết. Vậy lãi suất là gì và hiện nay có những loại lãi suất nào?

I. Định nghĩa về lãi suất

Theo các chuyên gia tài chính thì lãi suất là tỉ lệ mà theo đó số tiền lãi mà người vay phải có trách nhiệm chi trả cho người cho vay dựa trên số tiền vay theo cam kết ban đầu.

Một cách chính xác thì lãi suất là phần trăm tiền gốc phải trả trong một thời gian đã được xác định từ trước, thông thường sẽ được tính theo năm. Lãi suất là chỉ số quan trọng để tính đến biến số đầu tư, lạm phát hoặc thất nghiệp. Trong trường hợp này, người vay có thể là ngân hàng, cá nhân hoặc các tổ chức, doanh nghiệp và ngược lại.

Để được hưởng lãi suất như mong muốn cần chịu khó tìm kiếm và tham khảo lãi suất của từng ngân hàng tại thời điểm muốn tham gia dịch vụ tài chính.

II. Phân biệt các loại lãi suất

1/ Căn cứ vào tính chất của khoản vay, có các loại lãi suất phổ biến sau:

 

– Lãi suất tiền gửi ngân hàng là lãi suất ngân hàng trả cho các khoản tiền gửi vào ngân hàng.

Lãi suất tiền gửi ngân hàng có nhiều mức khác nhau tùy thuộc vào loại tiền gửi (không kỳ hạn, tiết kiệm…), thời hạn gửi và quy mô tiền gửi.

– Lãi suất cho vay ngân hàng là lãi suất mà người đi vay phải trả cho ngân hàng khi đi vay từ ngân hàng. Lãi suất tín dụng ngân hàng có nhiều mức tùy theo loại hình vay (vay kinh doanh, vay trả góp, vay qua thẻ tín dụng¼), theo mức độ quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng và tùy thuộc vào sự thỏa thuận giữa hai bên.

– Lãi suất tái chiết khấu của ngân hàng trung ương đối với các ngân hàng thương mại khi cho vay dưới hình thức tái chiết khấu các thương phiếu hoặc giấy tờ có giá ngắn hạn chưa đến hạn thanh toán của các ngân hàng này.

– Lãi suất liên ngân hàng là lãi suất mà các ngân hàng áp dụng cho nhau khi vay trên thị trường liên ngân hàng.

– Lãi suất cơ bản là lãi suất được các ngân hàng sử dụng làm cơ sở để ấn định mức lãi suất kinh doanh của mình.

 

2/ Căn cứ vào giá trị thực của tiền lãi thu được

– Lãi suất danh nghĩa (nominal interest rate) là lãi suất được tính theo giá trị danh nghĩa, không kể đến tác động của lạm phát. Lãi suất danh nghĩa thường được công bố chính thức trên hợp đồng tín dụng.

– Lãi suất thực tế (real interest rate) là lãi suất được điều chỉnh lại cho đúng theo những thay đổi về lạm phát.

Lãi suất danh nghĩa và lãi suất thực tế có mối liên hệ được thể hiện trong phương trình sau:

Lãi suất danh nghĩa = Lãi suất thực + tỷ lệ lạm phát

3/ Căn cứ vào tính linh hoạt của lãi suất

– Lãi suất cố định là loại lãi suất được quy định cố định trong suốt thời hạn vay. Nó có ưu điểm là số tiền lãi được cố định và biết trước. Nhưng nhược điểm là bị ràng buộc vào một mức lãi nhất định trong một khoảng thời gian, mặc dù lãi suất thị trường đã thay đổi.

– Lãi suất thả nổi là lãi suất được quy định là có thể lên xuống theo lãi suất thị trường trong thời hạn tín dụng. Lãi suất thả nổi vừa chứa đựng rủi ro lẫn lợi nhuận. Khi lãi suất tăng lên, người đi vay bị thiệt so với trường hợp xác định lãi suất cố định, người cho vay được lợi. Khi lãi suất giảm xuống, người cho vay bị thiệt, người đi vay được lợi.

4/ Căn cứ vào loại tiền cho vay

– Lãi suất nội tệ là lãi suất cho vay và đi vay đồng nội tệ

– Lãi suất ngoại tệ là lãi suất cho vay và đi vay đồng ngoại tệ

Mối liên hệ giữa hai loại lãi suất này được thể hiện qua phương trình: rd = rf + ΔE

Trong đó: rd là lãi suất nội tệ, rf là lãi suất ngoại tệ, ΔE là mức tăng giá dự tính của tỷ giá hối đoái (hay đồng ngoại tệ).

5/ Căn cứ vào nguồn tín dụng trong nước hay quốc tế

– Lãi suất trong nước hay lãi suất quốc gia (national interest rate) là lãi suất áp dụng trong các hợp đồng tín dụng trong nước.

– Lãi suất quốc tế (international interest rate) là lãi suất áp dụng với các hợp đồng tín dụng quốc tế.

Nếu các hợp đồng tín dụng quốc tế áp dụng mức lãi suất quốc gia thì lãi suất quốc gia trở thành lãi suất quốc tế.

Lãi suất quốc gia thường chịu ảnh hưởng của lãi suất quốc tế. Nếu thị trường vốn quốc gia tự do thì lãi suất quốc gia sẽ lên xuống theo lãi suất quốc tế

Theo Ths. Đặng Thị Việt Đức – Ths. Phan Anh Tuấn

–Unitrain sưu tầm–

Xem thêm

Khóa học Quản trị tài chính doanh nghiệp

3 nguyên tắc vàng để quản lý dòng tiền hiệu quả

10 Quy tắc đầu tư vàng của James Simons – tỉ phú đầu tư nổi tiếng nhất phố Wall