Kế toán quản trị là gì?

KTQT là thuật ngữ mới xuất hiện ở Việt Nam trong vòng 15 năm trở lại đây và đã thu hút được sự chú ý của các doanh nghiệp. Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đã bước đầu vận dụng và xây dựng cho mình một bộ máy kế toán quản trị riêng biệt. Thuật ngữ Kế toán Quản trị được quan tâm và sử dụng nhiều nhưng: Đó là gì? Mục tiêu và nhiệm vụ của Kế toán quản trị ra sao trong hoạt động của doanh nghiệp? Cùng UniTrain tìm hiểu nghề Kế toán quản trị qua bài viết sau.

Đọc thêm bài viết: Chương trình Kế toán quản trị ACCA F2

Kế toán quản trị ra đời sau so với Kế toán tài chính nhưng ngày càng chứng tỏ sự cần thiết và vai trò đặc biệt quan trọng của nó đối với công tác quản trị, điều hành các doanh nghiệp do:

Thứ nhất: Mọi tổ chức đều đưa ra mục tiêu hoạt động và chiến lược hoạt động cụ thể, ví dụ như tối đa doanh thu, giảm tối thiểu chi phí và tăng tối đa lợi nhuận. Như vậy, làm thế nào để giám đốc các bộ phận và giảm đốc điều hành đảm bảo doanh nghiệp hoạt động đúng hướng và đạt mục tiêu hàng năm?

Thứ hai: Mục tiêu quản trị, mọi nhà quản lý đều cần thông tin để điều hành, kiểm soát hoạt động của tổ chức. Tổ chức với quy mô càng lớn thì nhu cầu thông tin cho quản lý đó càng nhiều. Do đó, làm thế nào để nhà quản lý có được thông tin kịp thời để ra quyết định và tiên đoán tương lại để đề ra chiến lược cho doanh nghiệp?

Tóm lại, Kế toán quản trị ra đời để xử lý thách thức đặt ra là làm thế nào nhà quản trị công ty nắm bắt thông tin quản trị và đưa ra các quyết định tài chính tối ưu nhất, nhằm xây dựng hệ thống thông tin kế toán để phục vụ cho việc kiểm soát hoạt động ra quyết định quản trị doanh nghiệp. Hay nói cách khác kế toán quản trị giúp ban lãnh đạo doanh nghiệp cân nhắc và quyết định lựa chọn một trong những phương án có hiệu quả kinh tế cao nhất: phải sản xuất những sản phẩm nào, sản xuất bằng cách nào, bán các sản phẩm đó bằng cách nào, theo giá nào, làm thế nào để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và phát triển khả năng sản xuất.

Các quyết định này gồm hai loại:

Quyết định mang tính chất ngắn hạn: Các quyết định này giúp doanh nghiệp giải quyết các bài toán kinh tế trong thời kỳ ngắn hạn.

Ví dụ:

– Trong trường hợp nào doanh nghiệp có thể bán sản phẩm với giá thấp hơn giá ở điểm hoà vốn?

– Trong trường hợp nào doanh nghiệp nên tự chế hay đi mua một vài bộ phận của sản phẩm?

– Trong trường hợp nào doanh nghiệp nên bán ra bán thành phẩm thay vì tiếp tục hoàn thiện thành sản phẩm cuối cùng?

Quyết định mang tính dài hạn: Các quyết định này giúp doanh nghiệp giải quyết các bài toán kinh tế hoạch định chiến lược đầu tư dài hạn như: Trong trường hợp nào doanh nghiệp quyết định thay thế mua sắm thêm các máy móc thiết bị hay thực hiện phát triển thêm lĩnh vực kinh doanh.

Sự ra đời và phát triển của Kế toán quản trị là kết quả tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của nhà quản trị doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường luôn biến động, nhiều cạnh tranh và rủi ro dù Kế toán quản trị chỉ mới ra đời hơn 15 năm trở lại đây và đang trở thành xu thế mới của kế toán hiện đại.

Khái niệm & nhiệm vụ của Kế toán quản trị là gì?

– Theo Ronald W.Hilton, giáo sư đại học Cornell ( Mỹ ): “ Kế toán quản trị là một bộ phận của hệ thống thông tin quản trị trong một tổ chức mà nhà quản trị dựa vào đó để hoạch định và kiểm soát hoạt động của tổ chức

– Theo Ray H.Garrison: “ Kế toán quản trị có liên hệ với việc cung cấp tài liệu cho các nhà quản lý là những người bên trong tổ chức kinh té và có trách nhiệm trong việc điều hành và kiểm soát mọi hoạt động của tổ chức”

– Theo các giáo sư đại học South Florida là Jack L.Smith, Robert M. Keith và William L.Stephens: “ Kế toán quản trị là một hệ thống kế toán cung cấp cho các nhà quản trị những thông tin định lượng mà họ cần để hoạch định và kiểm soát”

– Về mặt pháp lý, thuật ngữ “KTQT” cũng chỉ được công nhận chính thức trong Luật Kế toán năm 2003. Sau đó, KTQT được cụ thể hóa trong Thông tư 53/2006/TT-BTC ngày 12/6/2006 hướng dẫn áp dụng KTQT trong DN. Đây là văn bản pháp luật về KTQT tính đến thời điểm hiện nay, làm nền tảng cho quá trình thực hiện tại các DN. Theo đó: Kế toán quản trị là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán

Kế toán quản trị là lĩnh vực chuyên môn của kế toán nhằm nắm bắt các vấn đề thực trạng, đặc biệt là thực trạng tài chính của doanh nghiệp. Qua đó giúp nhà quản lý doanh nghiệp ra quyết định điều hành một cách tối ưu nhất. Thông tin của kế toán quản trị đặc biệt quan trọng trong vận hành doanh nghiệp, đồng thời phục vụ kiểm soát và đánh giá doanh nghiệp đó.

Có hai loại thông tin mà kế toán quản trị sẽ cung cấp bao gồm thông tin tài chính và thông tin phi tài chính. Tất cả các thông tin này được gọi chung lại là thông tin quản lý. Thông tin mà kế toán quản trị cung cấp không phải là thông tin tài chính đơn thuần, trước khi cung cấp thông tin thì kế toán quản trị cần biết rõ mục đích của những thông tin đó.

Nhiệm vụ của Kế toán Quản trị trong doanh nghiệp

Một là, tính toán và đưa ra mô hình tối ưu về nhu cầu vốn cho một hoạt động hay một quyết định hay một mục tiêu cụ thể. Để thực hiện một mục tiêu các bộ phận phải tiến hành các hoạt động. Để thực hiện các hoạt động phải huy động các nguồn lực đầu vào, nghĩa là doanh nghiệp phải đầu tư về các loại vốn: ngắn hạn, dài hạn. Do vậy, nhiệm vụ của kế toán quản trị trong khâu này, gồm:

(i) Nắm được tổ chức quản lý và quy trình của hoạt động;

(ii) Nhận diện các loại chi phí liên quan đến hoạt động hay quyết định, mục tiêu đó;

(iii) Tìm ra cách ứng xử đối với từng loại chi phí đã nhận diện;

(iv) Xây dựng các chi phí tiêu chuẩn, giá thành định mức nhằm mục tiêu kiểm soát các chi phí sẽ phát sinh liên quan đến hoạt động hay quyết định đó và nhằm đảm bảo tính kinh tế cũng như hiệu quả của việc sử dụng nguồn lực;

(v) Tính toán các chi phí và đưa ra dự toán (Kế hoạch về vốn) tối ưu cho hoạt động hay quyết định đó;

(vi) Phải tư vấn các phương án để nhà quản trị lựa chọn mua sắm được các nguồn lực tốt nhất, đảm bảo tính kinh tế trong quá trình huy động các nguồn lực.

Hai là, đo lường và tính toán chi phí cho một hoạt động, sản phẩm hoặc một quyết định một mục tiêu cụ thể. Việc sử dụng các nguồn lực cho các hoạt động tạo ra các chi phí của doanh nghiệp do đó kế toán quản trị có nhiệm vụ: Tính toán, đo lường, phân bổ chi phí và tính giá thành cho sản phẩm, hoạt động.

Kế toán sẽ phải lựa chọn hệ thống các phương pháp tập hợp phân bổ chi phí, tính toán giá thành sao cho hợp lý, khách quan nhất để đảm bảo các nguồn lực được phản ánh trong chi phí giá thành là ở mức đúng với thực tế nhất, được sử dụng hiệu quả nhất.

Trong khâu này, kế toán quản trị còn có nhiệm vụ so sánh giữa kết quả thực hiện về chi phí, giá thành với dự toán (kế hoạch) đã xây dựng và với các chi phí tiêu chuẩn, giá thành định mức và đưa ra các kiến nghị điều chỉnh kịp thời. Mục đích nhằm kiểm soát các chi phí và giá thành sao cho đảm bảo tính hiệu quả và hiệu lực của việc sử dụng các nguồn lực cho từng hoạt động.

Ba làphân tích chi phí, giá thành của các hoạt động để tư vấn cho nhà quản trị tìm ra các giải pháp tác động nhằm đạt được các mục tiêu đã đặt ra của nhà quản trị như: Thông qua tối ưu hóa mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận, đảm bảo tính hiệu quả, hiệu lực của việc sử dụng các nguồn lực, để hoạch định và kiểm soát chi phí, để quản lý toàn diện các hoạt động, để giảm các tổn thất và nguồn lực, giảm thiểu rủi ro và cao hơn nữa là tạo ra những giá trị mới sáng tạo cho doanh nghiệp…

Bốn là, đánh giá hiệu năng quản lý thông qua hệ thống kế toán trách nhiệm: Hệ thống kế toán trách nhiệm được thiết lập để có thể ghi nhận, đo lường kết quả hoạt động của từng bộ phận trong tổ chức. Trên cơ sở đó, lập các báo cáo thực hiện nhằm phục vụ cho nhà quản lý kiểm soát được hoạt động và chi phí của họ.

Xu hướng Kế toán Quản trị hiện đại trong thời đại ngày nay, đặc biệt là việc áp dụng khoa học công nghệ

Kế toán Quản trị đang chứng kiến một xu thế mới trong ngành kế toán trước sự thay đổi của khoa học công nghệ. Trước đây các kế toán viên thường dành 80% -90% thời lượng công việc cho các nghiệp vụ kế toán hàng ngày như ghi chép sổ sách, đối chiếu giao dịch, lập sổ, theo dõi và quản lý tồn kho, định khoản, lập báo cáo tài chính… thì ngày nay mọi chuyện đã trở nên rất khác.

Việc ra đời các phần mềm kế toán, các hệ thống quản trị doanh nghiệp như ERP, đặc biệt là các ứng dụng kế toán – tài chính như DASHBOARD đã giúp người làm kế toán quản trị tiết kiệm rất nhiều thời gian nhờ việc quản lý dữ liệu tối ưu và trực quan hóa thông tin. Một xu thế mới đang dần hình thành khi nghề kế toán trở thành một nghề yêu cầu nguồn nhân lực quản lý nhiều hơn về dữ liệu để từ đó biến chúng thành những thông tin tài chính và phi tài chính hữu ích, giúp nhà quản trị doanh nghiệp quản lý doanh nghiệp kịp thời và hiệu quả cao. Các kế toán viên sẽ dành nhiều thời gian cho việc phân tích, lập kế hoạch, dự toán, dự báo, lập ngân sách hoặc đưa ra các thông tin hỗ trợ, tham mưu cho ban lãnh đạo doanh nghiệp về kế toán quản trị.

Kế toán quản trị

Xu hướng này làm cho vai trò của Kế toán Quản trị ngày càng lớn dần lên, tăng dần lên trong các doanh nghiệp, dần thay thế dần kế toán tài chính trước đây. Vai trò của Kế toán Tài chính sẽ thu nhỏ lại, và các người chủ doanh nghiệp sẽ cần những người làm kế toán quản trị có thể tham mưu cho Ban lãnh đạo để quản trị doanh nghiệp tốt nhất.

 

Xem thêm

Ứng dụng Dashboard Reporting trong Excel

– Khóa học ACCA MA (F2) – Management Accounting (Kế toán quản trị)

Tương lai ngành Kế toán – 3 sự thay đổi lớn và những ảnh hưởng thời đại công nghệ

Phân biệt Kế toán Quản trị – Kế toán Tài chính

 

Leave us a Reply