Cho dù đã đổi qua bao nhiêu công ty đi nữa, chắc hẳn rằng khi là “lính mới” bạn vẫn sẽ trải qua vô vàn cung bậc cảm xúc khác nhau trong những ngày làm việc đầu tiên. Khi đó, nếu có ấn tượng ban đầu không tốt về công ty thì số đông người đi làm có xu hướng nghỉ việc ngay vì tin rằng “đầu không xuôi thì đuôi không lọt”. Hơn thế nữa, như câu nói vui “chia tay sớm bớt đau khổ” mà mọi người vẫn khuyên nhau, nhiều người có cảm giác muốn nghỉ việc ngay trong tuần đầu tiên vì không muốn gắng gượng chịu đựng thêm “mối quan hệ” được dự cảm trước là chẳng thể kéo dài.

Trước khi làm theo sự mách bảo của cảm tính, hãy cùng cân nhắc một vài điều về việc chính thức quyết định một sự dừng lại hay đi tiếp, nếu bạn đang rơi vào trường hợp vừa mới gia nhập công ty nhưng đã muốn bỏ cuộc ngay sau tuần thử việc đầu tiên.

1. Phút nhìn lại mình

Đối diện với cảm giác không hài lòng và suy nghĩ thất vọng, bạn nên là người đầu tiên tự nhìn lại bản thân mình. Hãy đặt ra các câu hỏi rồi trả lời một cách trung thực và thấu đáo: Bạn thấy lạc lõng? Quá tải thông tin? Khác biệt về văn hoá công sở? Công việc thực tế không như mô tả khi phỏng vấn? Hay còn điều gì khác nữa? Hãy liệt kê tất cả và tuần tự giải quyết từng khúc mắc một với bản thân.

Có thể bạn không ngờ đến, nhưng thực sự quá trình tự vấn và tự kiểm nghiệm sẽ khai mở cho bạn rất nhiều điều ý nghĩa không chỉ trong hiện tại mà còn giá trị cho cả chặng đường sự nghiệp tương lai: Bạn sẽ trở nên chín chắn, đa chiều và biết cảm thông.

2. Chủ động trao đổi thân tình và cởi mở

Đừng chỉ đột ngột gửi một email thông báo nghỉ việc mà hãy chủ động liên hệ với bộ phận nhân sự hoặc sếp quản lý trực tiếp nhằm sắp xếp một buổi trao đổi thẳng thắn với công ty về những điều chưa ổn thoả, cảm giác bạn hiện có và nguyên do muốn nghỉ việc. Biết đâu chỉ nhờ một cuộc trò chuyện thôi mà sau đó cục diện lại thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn. Điều này cũng thể hiện sự chuyên nghiệp và giữ hình ảnh đẹp của bạn trong mắt nhà tuyển dụng để tránh việc bị lưu lại “vết xấu” trong sự nghiệp của mình.

3. Cho cả đôi bên thêm thời gian

Tuỳ vào hoàn cảnh thực tế, nếu nhận thấy tâm trạng mình tốt hơn và công ty cũng tiếp thu những tâm tư nguyện vọng của bạn, hãy thử ở lại thêm một thời gian nữa. Với một môi trường mới, bạn cần cho bản thân có thêm cơ hội và nhiều thời gian hơn để khám phá, trải nghiệm và học cách hoà nhập.

Sau đó, sẽ rất tuyệt nếu bạn may mắn tìm thấy cảm hứng cho công việc và hiểu hơn về công ty, chúc mừng bạn! Còn nếu ngược lại, bạn vẫn tin rằng mình thiếu mất lý do để tiếp tục đóng góp cho nơi này, thì xem như những ngày vừa qua bạn đã tạo điều kiện thuận lợi giúp công ty có đủ thời gian tuyển chọn lại một người mới phù hợp hơn, cũng như cho bản thân thêm thời gian tìm kiếm công việc khác ưng ý hơn.

 4. Phòng hơn chữa: tìm hiểu kỹ càng trước khi ứng tuyển và nhận việc

Lẽ tất nhiên không ai muốn mình ngậm ngùi sớm rời bỏ công việc tưởng chừng lý tưởng sau quãng thời gian chật vật nộp hồ sơ và phỏng vấn. Công ty cũng không muốn phải khởi động lại công tác tuyển dụng một cách hụt hẫng và trở nên e dè đối với các ứng viên sau. Thế nên để tránh rơi vào tình cảnh này trước khi ứng tuyển bạn nên tham khảo về các đòi hỏi, kỳ vọng trong công việc cũng như chủ động tìm hiểu thêm về văn hoá, môi trường công ty để tránh tình huống bị choáng ngợp trước quá nhiều sự khác biệt. Đồng thời cũng cần trang bị cho mình tinh thần cởi mở, sẵn sàng hòa nhập văn hoá ở môi trường làm việc mới.

Không có nơi làm việc nào là hoàn hảo tuyệt đối. Năm bảy ngày làm việc không hẳn là quá ngắn nhưng chưa đủ để bạn hiểu biết tất cả, nên đừng vội vàng để rồi đôi khi về sau phải tiếc nuối! Vấn đề cốt lõi là bạn cần xác định được mình cần gì và tổ chức bạn vừa gia nhập có tiềm năng đáp ứng tốt hay không. Chúc bạn luôn có những ngày làm việc thật suôn sẻ và hiệu quả trong những lần “chạm ngõ” công việc buổi ban đầu nhé!

 

-st-

 

Xem thêm

– Khóa học Chuẩn bị CV – Phỏng vấn

– Làm việc ngoài giờ, nên hay không?

– Gợi ý cho kiểm toán viên năm đầu thành công

– Vì sao hầu hết người đi làm trong lĩnh vực kinh tế cần Dashboar?

Leave us a Reply