Tư vấn là gì và vai trò của nghề này đối với xã hội?

Tư vấn (consulting) là một ngành dịch vụ không có một định nghĩa cố định nào cả. Thị trường cho dịch vụ này cũng hết sức linh hoạt. Cùng với những thay đổi liên tục trong các hoạt động mua lại, sáp nhập cũng như mở rộng lĩnh vực kinh doanh, nhu cầu cho dịch vụ tư vấn cũng khó đoán trước được như là thị trường chứng khoán vậy. Thuật ngữ “consulting” có thể có rất nhiều nghĩa, tựu chung lại một ý tưởng chính là đưa ra các lời khuyên về nghiệp vụ. Công ty tư vấn sẽ “tư vấn” một doanh nghiệp theo đúng cách mà một người đưa ra lời khuyên cho bạn bè hay người thân lúc cấp thiết. Nhìn sự việc theo lăng kính đó mới thấy tầm quan trọng của tư vấn trong kinh doanh. Tuy vậy hầu hết mọi người đều nhận thức rất mờ nhạt về công việc và trách nhiệm thực sự của cái gọi là “tư vấn”. Những thuật ngữ như “quản lý chiến lược”, “quản lý quy trình”, “quản lý thay đổi”… có vẻ như chỉ có ý nghĩa với những người trực tiếp liên quan tới chúng.

 

Đưa ra các các giải pháp là một vấn đề hóc búa, không phải vì “nguồn cung cấp” giải pháp quá hạn hẹp. Các nhà tư vấn chuyên nghiệp không bao giờ thiếu các giải pháp, song áp dụng một trong số đó trong một môi trường doanh nghiệp có thể là một cuộc đấu tranh lớn với các trở ngại về chính trị cũng như chính sách hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, cốt lõi của tư vấn là phải vượt qua được các rào cản trong doanh nghiệp, xóa bỏ tính ì để rồi thâm nhập hoàn toàn vào tổ chức của họ mà “trị bệnh”.

Tư vấn có từ bao giờ?

Từ thuở bình minh của loài người, người ta đã biết trao đổi ý tưởng để thu lợi, song nghiệp vụ tư vấn với tư cách là một ngành kinh doanh lớn chỉ thực sự ra đời vào đầu thế kỷ hai mươi. Khi James McKinsey, giảng viên Đại học Chicago, thành lập Công ty “Mách bảo kế toán và kỹ thuật”, ông đã giới thiệu một dịch vụ tương tự như tư vấn. Dần dần, ông phát triển một phương pháp tiếp cận vấn đề độc đáo cho các khách hàng của mình và gọi là “Điều tra tổng thể”. Thay vì việc thuê các kỹ sư thông thường, McKinsey tuyển các nhà quản lý dày dạn kinh nghiệm và đào tạo họ trở thành các nhà phân tích. Phương pháp tiếp cận mới liên quan tới các vấn đề như “mục tiêu”, “chiến lược”, “tổ chức”, “phương tiện”, “nhân sự”…

Cuối thập kỷ 50, một loạt các công ty tư vấn khác xuất hiện với các chiến lược tập trung và cách thức hoạt động đầy tính sáng tạo. Tập đoàn tư vấn BCG (The Boston Consulting Group) cũng là một trong những nhà tiên phong có tiếng trong lĩnh vực tư vấn các nhà sản xuất chất bán dẫn. Ý tưởng của tập đoàn này là mối liên quan trực tiếp giữa sự đi xuống trong hầu hết các ngành sản xuất tới chi phí. BCG sau đó mở rộng khái niệm ban đầu của mình thành “ma trận tỷ lệ tăng trưởng”, một công cụ đánh giá khả năng thu hút của một công ty trong một lĩnh vực nhất định.

Vì sao các nhà tư vấn chọn đó là nghề nghiệp của mình?

Có rất nhiều lý do người ta muốn trở thành nhà tư vấn. Tham vọng, thu nhập, danh tiếng, kinh nghiệm… là những điều họ quan tâm. Sơ đồ sau đây là tổng kết của cuộc điều tra hơn 1500 nhà tư vấn từ các công ty như Accenture, McKinsey, Ernst & Young và hàng loạt các công ty nhỏ khác:
Có lẽ điều gây ngạc nhiên nhất cho chúng ta là “chất lượng công việc và khách hàng” (Quality of Work and Clients) được phần lớn các nhà tư vấn quan tâm nhiều hơn thu nhập (Salary). Các tiêu chí “phát triển nghề nghiệp” (Career progression), “cân đối công việc-cuộc sống” (Work-life balance), “học hỏi và phát triển cá nhân” (Training and Personal Development) được quan tâm ngang với thu nhập. Tiếp theo họ quan tâm đến “thương hiệu và danh tiếng” (Brandname and reputation), “lợi ích” (Benefit), “công việc ổn định” (Job security), “tiềm năng làm đối tác” (Partnership potential). Như vậy, nhiều khi thu nhập không phải là ưu tiên số một khi người ta lựa chọn ngành nghề, nhất là đối với nghề tư vấn, có lẽ nhân tố quan trọng nhất là sự say mê.

–UniTrain tổng hợp–

Xem thêm

3 kỹ năng cần có của một chuyên gia Phân tích và Lập kế hoạch Tài chính (FP&A)

Hệ thống thông tin quản lý (MIS) – Một ngành đầy triển vọng