Trước sự lan tỏa mạnh mẽ của Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) trên toàn cầu, việc áp dụng IFRS không chỉ của bất kỳ một nhóm quốc gia nào mà đó là mục tiêu chung của các quốc gia trên toàn thế giới.
Để áp dụng IFRS hiệu quả, cần vận dụng những lý thuyết phù hợp nhất nhằm giải quyết triệt để các vấn đề về lý luận. Bài viết này khái quát lý thuyết nền có thể vận dụng nhằm phân tích, tìm ra các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS tại Việt Nam, cũng như các quốc gia trên thế giới. Trong đó, nổi bật nhất là lý thuyết về hành vi dự định và lý thuyết đẳng cấu thể chế, đây là hai lý thuyết nền cở bản cần thiết khi nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS.
Đặt vấn đề
Trước bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, việc sử dụng một ngôn ngữ chung cho cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc áp dụng hệ thống Chuẩn mực lập báo cáo tài chính (BCTC) quốc tế (IFRS) trong lập báo cáo tài chính là hết sức cấn thiết.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc áp dụng IFRS cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức do có sự khác biệt giữa hệ thống kế toán giữa các quốc gia là điều không thể tránh khỏi. Sự khác biệt này gây ra không ít khó khăn đối với người sử dụng trong việc đánh giá chất lượng BCTC ở mỗi quốc gia khác, cũng như khi so sánh các báo cáo trên phạm vi toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng IFRS là điều cần thiết nhằm đưa ra các giải pháp vận dụng IFRS một cách hiệu quả. Bài viết thông qua việc lựa chọn các lý thuyết nền phù hợp để có thể đưa ra những nhân tố ảnh hưởng và giải pháp tốt nhất.
Cơ sở lý thuyết
Lý thuyết về hành vi dự định
Lý thuyết về hành vi dự định (TPB) được phát triển bởi Ajzen vào năm 1991 từ lý thuyết Hành động hợp lý (TRA) được Ajzen và Fishbein xây dựng từ năm 1967, đây được xem là lý thuyết đầu tiên trong lĩnh vực nghiên cứu tâm lý xã hội. Theo Hung và các tác giả (2010, Trần Thị Lam Phương và Phạm Ngọc Thúy, 2011), trong nghiên cứu hành vi con người, thì TPB là một trong những lý thuyết có tầm ảnh hưởng khá rộng rãi.
Cả hai lý thuyết TRA và TPB đều có điểm chung là chỉ ra hành vi thực tế của con người sẽ được quyết định bởi ý định thực hiện hành vi đó.
Tuy nhiên, chính Ajzen nhận ra, thuyết TRA vẫn còn những hạn chế cho nên, trong một nghiên cứu theo, Ajzen (1991) đã bổ sung nhân tố kiểm soát nhận thức (Perceived Control) nhằm phản ánh vấn đề này vào lý thuyết TPB trên cơ sở phát triển hai yếu tố đã có sẵn từ thuyết TRA.
Theo đó, thuyết TPB bao gồm 3 yếu tố: Thái độ; Chuẩn chủ quan; Kiểm soát nhận thức. Trong đó:
– Thái độ: Được hiểu là thái độ của người thực hiện và được đo lường bằng niềm tin của việc thực hiện hành vi đó là có ích.
– Chuẩn chủ quan: Là nhận thức của những người có ảnh hưởng đến người thực hiện nghĩ rằng cá nhân đó nên hay không nên thực hiện hành vi, có thể là lãnh đạo cấp cao lẫn lãnh đạo trực tiếp, hoặc đồng nghiệp của người thực hiện.
– Kiểm soát nhận thức: Đây là nhân tố nhằm phản ánh sự dễ dàng hay khó khăn về khả năng kiểm soát của người thực hiện trong một hành vi cụ thể. Mô hình cơ bản của lý thuyết này có thể được khái quát như Hình 1.
Nghiên cứu của Dong và các cộng sự (2010), Bock và Kim (2002) (trích trong Trần Thị Lam Phương và Phạm Ngọc Thúy, 2011) chỉ ra rằng, sự tin tưởng vào xã hội và sự tự tin vào tri thức cá nhân là hai nhân tố được xem xét bổ sung cho mô hình TPB thông qua việc tác động của 2 nhân tố này lên nhân tố thái độ.
Như vậy, từ lý thuyết về hành vi dự định, cũng như các nghiên cứu trình bày ở trên, có thể nhận thấy nhân tố thái độ có mức độ ảnh hưởng cao đến hành vi con người. Trong phạm vi của bài viết, nhân tố thái độ ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc áp dụng IFRS tại Việt Nam, cùng với hai nhân tố còn lại là Chuẩn chủ quan và kiểm soát nhận thức.