Xu hướng chung của thế giới hiện đại đang dịch chuyển dần về những tiêu chuẩn chung nhất, và chuẩn mực kế toán cũng không nằm ngoài guồng quay đó.

Việc học và tìm hiểu về một hệ thống chuẩn mực kế toán tốn của người học rất nhiều thời gian và công sức. Vì vậy, một khi đã bắt đầu, chúng ta xứng đáng nhận được những kiến thức tương xứng với nỗ lực mà chúng ta bỏ ra. Và việc lựa chọn một hệ thống chuẩn mực đã lỗi thời, có thể bị bỏ vào bất kỳ thời điểm nào trong tương lai, theo quan điểm của tôi không phải là một sự lựa chọn đúng đắn. Việc đợi Bộ Tài Chính soạn thảo vào công bố bộ chuẩn mực mới cũng tốn một khoảng thời gian rất dài và tin tôi đi, bạn không muốn phải lùi việc học lại lâu như vậy đâu. Vậy nên, tại thời điểm này, việc theo đuổi hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế là một sự lựa chọn đúng đắn.

Những khó khăn

Rào cản ngôn ngữ

Chuẩn mực kế toán quốc tế, đúng như với tên gọi của nó, được viết theo đúng thứ ngôn ngữ quốc tế – tiếng Anh. Đối với một số người, đây có lẽ không phải là một rào cản, nhưng với đa số mọi người, đây là một vấn đề mà sẽ khiến chúng ta lo sợ khi quyết định tìm hiểu về IFRS.

Thực ra thì Bộ Tài Chính đang trong quá trình dịch hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế sang tiếng Việt. Tuy nhiên quá trình dịch và chỉnh sửa cần rất nhiều thời gian, vậy nên, nếu có thể, chúng ta cần chủ động với việc học của mình, và đối đầu với rào cản ngôn ngữ là một trong số chúng.

Thời gian đầu, bản thân tôi cũng từng rất khó khăn khi tiếp cận với IFRS. Bản thân chuẩn mực đã là một thứ gì đó rất khó hiểu rồi, lại phải tiếp cận bằng một thứ ngôn ngữ khác, hẳn không phải là một thử thách dễ dàng gì. Thực ra thời gian đó, tiếng Anh của tôi không thực sự tệ, nhưng đó là tiếng Anh sử dụng trong giao tiếp. Còn khi nói về chuẩn mực kế toán, đó là thứ tiếng Anh học thuật, khó hơn và phải hiểu chính xác hơn rất nhiều.

Bản thân tôi cũng từng trải qua những điều như thế. Vật lộn với từng quy định trong chuẩn mực, và luôn luôn lo sợ mình hiểu sai nghĩa so với những gì mà chuẩn mực muốn truyền tải. Nhưng có một điều tích cực mà tôi muốn truyền tải đến với mọi người, thời gian mà bạn phải vật lộn với những khó khăn ban đầu sẽ không kéo dài đâu. Hãy bắt đầu từ những chuẩn mực dễ nhất: IAS 2, IAS 16, … rồi tiến tới những chuẩn mực phức tạp hơn, bạn sẽ có thời gian để làm quen và xóa bỏ đi nỗi sợ hãi. Mọi việc rồi sẽ ổn, bản thân tôi đã làm được, và các bạn cũng sẽ làm được.

Một hệ thống kiến thức đồ sộ và vô cùng phức tạp

Khi đã vượt qua được rào cản ngôn ngữ, chúng ta mới đến với một thử thách thực sự, và là điều duy nhất có thể khiến cho chúng ta phải bỏ cuộc. Những kiến thức của chuẩn mực kế toán quốc tế thực sự rất phức tạp và đồ sộ.

Hãy thử tưởng tượng về điều này: Việt Nam của chúng ta đã ban hành tổng cộng 26 chuẩn mực kế toán, con số này đối với chuẩn mực kế toán quốc tế là khoảng 43 chuẩn mực (tại thời điểm viết bài), đó là chưa kể khoảng 28 văn bản diễn giải chuẩn mực (cũng tại thời điểm viết bài) là SIC và IFRIC Interpretations. Mỗi chuẩn mực trong đó cũng có nội dung đồ sộ và phức tạp hơn rất nhiều so với chuẩn mực tương ứng của Việt Nam, với rất nhiều những điều khác biệt.

Vậy nên, nếu như các bạn quyết định tìm hiểu về hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế, hãy chuẩn bị sẵn tinh thần để vượt qua những khó khăn này. Chúng ta cần biết bản thân sẽ phải đối mặt với điều gì, và khi đã chấp nhận theo đuổi, khó khăn là thứ nhất định phải vượt qua.

Sự tốn kém về mặt chi phí

Tìm hiểu về chuẩn mực kế toán quốc tế đôi khi sẽ có thể tốn kém một chút. Sẽ có những tài liệu mà chúng ta phải mua, những khóa học mà chúng ta cần phải tham dự. Nhưng tôi tin rằng những kiến thức mà chúng ta đạt được là đáng giá so với số chi phí mà chúng ta phải bỏ ra.

Những thuận lợi

Chúng ta đã nói về những khó khăn nhiều rồi, vậy hãy dành một chút thời gian để nói về những thuận lợi nào.

Chúng ta được học những kiến thức mới, hoàn toàn không có trong hệ thống chuẩn mực kế toán của Việt Nam

Một ví dụ để có thể hiểu rõ hơn về điều này, hãy cùng xét tới đoạn 9 trong chuẩn mực kế toán Việt Nam số 14 – Doanh thu và thu nhập khác:

“09 Tiêu chuẩn nhận biết giao dịch trong chuẩn mực này được áp dụng riêng biệt cho từng giao dịch. Tiêu chuẩn nhận biết giao dịch còn được áp dụng cho hai hay nhiều giao dịch đồng thời có quan hệ với nhau về mặt thương mại. Trường hợp này phải xem xét chúng trong mối quan hệ tổng thể. Ví dụ, doanh nghiệp thực hiện việc bán hàng và đồng thời ký một hợp đồng khác để mua lại chính các hàng hóa đó sau một thời gian thì phải đồng thời xem xét cả hai hợp đồng và doanh thu không được ghi nhận.”

VAS 14 không cho phép kế toán ghi nhận doanh thu khi mà các giao dịch đồng thời có quan hệ với nhau về mặt thương mại. Tuy nhiên, chuẩn mực lại không hề có sự giải thích rõ ràng về việc như thế nào là các giao dịch có quan hệ với nhau về mặt thương mại, hay là việc ghi nhận và trình bày thông tin kế toán cần được thực hiện như thế nào.

Tuy nhiên, IFRS 15 lại có sự giải thích rất cặn kẽ về vấn đề này, từ việc giao dịch như thế nào là có quan hệ với nhau về mặt thương mại và về việc giao dịch trong từng tình huống sẽ được xử lý như thế nào. Tất nhiên, chi tiết quy định của IFRS 15 về vấn đề này rất dài và khó có thể đề cập trong nội dung của bài viết ngày hôm nay. Nhưng điểm mấu chốt của vấn đề chính là, có những kiến thức mà người học chuẩn mực kế toán Việt Nam không biết, hoặc sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể học được chúng, nhưng lại là những kiến thức cơ bản đối với người học chuẩn mực kế toán quốc tế.

Chuẩn mực được viết một cách hết sức khoa học

Chuẩn mực kế toán quốc tế đã trải qua một quá trình chỉnh sửa và cải tiến rất nhiều. Vì vậy, các nội dung của chuẩn mực được trình bày một cách hết sức khoa học. Trong quá trình tìm hiều về chuẩn mực, với cùng một nội dung, tôi thấy việc đọc hiểu các nội dung của IFRS dễ dàng hơn rất nhiều so với nội dung tương đương trong VAS. Một ví dụ đó là IAS 10 và VAS 23 đều nói về các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán, tuy nhiên, trái ngược với những nội dung được viết một cách hết sức khoa học và dễ hiểu trong IAS 10, việc đọc các nội dung của VAS 23, đối với cá nhân tôi, không khác gì đang tìm hiểu về một sự kiện triết học, với một cách viết rối rắm và vô cùng khó hiểu.

Chuẩn mực có ví dụ minh họa đi kèm

Chuẩn mực kế toán quốc tế có cả một hệ thống các ví dụ hướng dẫn về việc áp dụng các nội dung của chuẩn mực trong thực tế. Việt Nam cũng có thông tư hướng dẫn thực hiện chuẩn mực, nhưng chủ yếu tập trung vào hệ thống các tài khoản kế toán và các định khoản nợ có, về mặt bản chất khác hoàn toàn so với hệ thống hướng dẫn của IFRS và, nói một cách thật lòng, không mang lại nhiều giá trị cho người học.

Chuẩn mực quốc tế có phần “Cơ sở cho việc đưa ra kết luận”

Đúng vậy, với mỗi quy định được đưa ra, Ủy ban soạn thảo chuẩn mực luôn có một khoảng thời gian hỏi ý kiến các tổ chức và cá nhân liên quan để cùng nhau thảo luận và để từ đó, Ủy ban soạn thảo sử dụng để làm căn cứ đưa ra quyết định. Thông thường, với mỗi chuẩn mực IAS và IFRS, Ủy ban soạn thảo cũng ban hành kèm theo các thảo luận liên quan tới một số quy định trọng tâm của chuẩn mực.

Tài liệu tham khảo bạt ngàn, và rất hay

Một điểm hay của chuẩn mực kế toán quốc tế đó là chúng được áp dụng trên phạm vi lãnh thổ của nhiều quốc gia và do vậy, khi bạn muốn tìm hiểu về một vấn đề thì khả năng cao là bạn sẽ tìm hiểu được những bài viết thảo luận tương ứng trên các diễn đàn quốc tế về vấn đề này.

Một điểm cần lưu ý nữa đó là các công ty kiểm toán lớn cũng thường có những bài viết thể hiện quan điểm của họ, hoặc đôi khi là các guidance về một, hoặc một số vấn đề của chuẩn mực. Những bài viết này, thường là những bài thảo luận rất sâu, cũng như hướng dẫn rất chi tiết, bao gồm cả những ví dụ minh họa đối với từng trường hợp áp dụng chuẩn mực trong thực tế. Và tin tôi đi, đó sẽ là những tài liệu hay nhất mà các bạn từng đọc được.

Theo Nguyễn Long – Cộng đồng IFRS Việt Nam

Xem thêm

Những điều cơ bản cần biết về IFRS

Khác biệt cơ bản của chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực kế toán quốc tế về tài sản cố định

Download tài liệu Điểm khác biệt giữa IAS 41 và VAS theo RSM