Gian lận kế toán của Wirecard là vụ bê bối tài chính mới nhất làm rúng động thế giới. Trong quá khứ cũng có nhiều vụ gian lận khiến các công ty lớn phá sản và kéo theo các hãng kiểm toán rơi vào rắc rối nghiêm trọng.

Wirecard AG, công ty thanh toán “khổng lồ” đang dính bê bối của Đức, ngày 22/6 cho biết 1/4 giá trị tài sản của công ty này trị giá 1,9 tỷ euro (2,13 tỷ USD) mà hãng kiểm toán EY đã không thể xác nhận có khả năng không tồn tại.

Giá cổ phiếu của Wirecard AG đã sụt giảm 75% kể từ khi EY từ chối công bố báo cáo kiểm toán năm 2019 của Wirecard AG vào tuần trước. Công ty này cũng cho biết họ đã rút lại các báo cáo sơ bộ về tài chính của năm 2019 và quý I/2020, cũng như các dự báo được đưa ra trước đó.

Wirecard cho biết thêm, có những dấu hiệu cho thấy một bên ủy thác của công ty đã lập “các xác nhận số dư giả mạo” để “đánh lừa kiểm toán viên và tạo ra một nhận thức sai lầm về sự tồn tại của số dư tiền mặt này”.

Giám đốc điều hành (CEO) của Wirecard, ông Markus Braun đã từ chức ngay trong ngày 19/6 và công ty này đang phải “vật lộn” để đảm bảo huyết mạch tài chính từ các ngân hàng của mình, trong khi cuộc tìm kiếm dấu vết của khoản tiền trên đang “rơi vào ngõ cụt”. Phía Wirecard nói đã gửi số tiền đó tại hai ngân hàng ở châu Á là Bank of the Philippine Islands và BDO Unibank Inc. Tuy nhiên, hai ngân hàng này đều phủ nhận có quan hệ kinh doanh với Wirecard.

Wirecard từng là một trong những tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ tài chính tại Đức. Tháng 9/2018, công ty được định giá tới 24,6 tỷ USD. Tuy nhiên, năm ngoái báo Financial Times từng đăng loạt bài điều tra, phản ánh những dấu hiệu gian lận sổ sách ở Wirecard.

Wirecard cho biết họ đang xem xét một loạt biện pháp để đảm bảo hoạt động của công ty không bị gián đoạn bởi vụ bê bối này, bao gồm giảm chi phí, tái cấu trúc, nhượng lại hoặc cho ngừng hoạt động một số đơn vị kinh doanh.

Các vụ bê bối kế toán không phải điều gì quá mới mẻ, và quy mô của mỗi vụ cũng thường khác nhau. Trong một số trường hợp, gian lận kế toán bị phát hiện có thể kéo theo sự sụp đổ của cả một công ty hay thậm chí là cả hãng kiểm toán.

Dưới đây là tổng hợp một số vụ gian lận kế toán nổi tiếng nhất.

Enron

Theo Investopedia, Enron là công ty năng lượng có trụ sở tại Houston, bang Texas, Mỹ. Trước khi sụp đổ, Enron là công ty lớn thứ 7 tại Mỹ nếu xét theo doanh thu. Bằng cách sử dụng các phương pháp kế toán phức tạp có liên quan tới công ty vỏ bọc, Enron đã loại bỏ được các khoản nợ hàng trăm triệu USD khỏi sổ sách của mình.

Nhà đầu tư và các chuyên gia phân tích đã bị lừa, họ tưởng rằng tình hình tài chính của Enron ổn định hơn nhiều so với thực tế.

Bên cạnh đó, các công ty vỏ bọc do giám đốc cấp cao của Enron vận hành đã thổi phồng doanh thu, về cơ bản là ghi nhận khoản doanh thu một tỉ USD nhiều lần. Nhờ vậy, Enron đã tạo ra được con số doanh thu và lợi nhuận ấn tượng.

Nhưng kết cuộc, mạng lưới gian lận phức tạp bị phanh phui, giá cổ phiếu Enron rơi tự do từ 90 USD/cp xuống mức chưa tới 0,7 USD/cp.

Vụ phá sản của Enron kéo theo sự sụp đổ của Arthur Andersen, hãng kiểm toán lớn thứ 5 thế giới lúc bấy giờ. Dù nổi tiếng là có tiêu chuẩn cao và quản lí rủi ro tốt, Andersen đã kí báo cáo tài chính của Enron trong suốt nhiều năm. Một điểm đáng chú ý là Andersen vừa kí hợp đồng tư vấn vừa là kiểm toán xác nhận báo cáo tài chính của Enron.

Andersen không còn chút cơ hội nào để phục hồi danh tiếng sau khi ông David Duncan, kiểm toán viên trưởng của Enron ra lệnh ném hàng nghìn tài liệu của Enron vào máy nghiền giấy.

Năm 2002, Enron đã được trao giải Ig Nobel châm biếm của Harvard cho hạng mục “Sử dụng các con số tưởng tượng theo cách sáng tạo nhất”. Dĩ nhiên không một nhân viên nào của Enron đứng ra nhận giải thưởng này.

Vụ phá sản của Enron và tổn thất nặng nề mà công ty này gây ra cho cổ đông đã dẫn tới sự ra đời của những qui tắc và luật lệ mới nhằm tăng cường tính xác thực của báo cáo tài chính.

Tháng 7/2002, Tổng thống George W. Bush kí thông qua Đạo luật Sarbanes-Oxley, gia tăng mức phạt cho việc phá hủy, thay đổi, bịa đặt báo cáo tài chính và toan tính lừa gạt cổ đông.

Đạo luật Sarbanes-Oxley cũng cho phép việc thành lập Hội đồng giám sát kế toán công ty đại chúng Mỹ (PCAOB) nhằm thắt chặt việc giám sát doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnhh vực kế toán, đồng thời hạn chế các công ty kiểm toán cung cấp dịch vụ phi kiểm toán (ví dụ: tư vấn) cho cùng một khách hàng.

WorldCom

Không lâu sau vụ sụp đổ của Enron, chứng khoán Mỹ lại bị rúng động bởi một bê bối kế toán khác. Hãng viễn thông khổng lồ WorldCom bị điều tra gắt gao sau khi có dấu hiệu xào nấu sổ sách. Cụ thể, WorldCom bị phát hiện đã ghi nhận chi phí hoạt động thành các khoản đầu tư.

Ban lãnh đạo WorldCom cho rằng giấy in và văn phòng phẩm là các khoản đầu tư vào tương lai của công ty và do đó họ quyết định vốn hóa chi phí của các vật phẩm này trong nhiều năm.

Tổng cộng, WorldCom đã ghi nhận 3,8 tỉ USD chi phí thông thường thành các khoản đầu tư. Thủ thuật kế toán nhỏ nhặt này đã giúp WorldCom phóng đại lợi nhuận của mình.

UniTrain Tổng hợp

Xem thêm

Các dạng gian lận trong vốn hóa chi phí phổ biến

Ba đặc điểm chính của các doanh nghiệp cạnh tranh bằng hoạt động phân tích dữ liệu

Kiểm toán viên đang chuyển sang công nghệ mới trong bối cảnh khủng hoảng COVID-19