Tháng 2: áp lực lạm phát giảm; dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến ngành dệt may, du lịch và các ngành khác; NHNN giảm lãi suất điều hành kể từ 17/3/2020

Số liệu kinh tế vĩ mô tháng 2/2020 từ tổng cục thống kê cho thấy áp lực lạm phát giảm và thu hút vốn FDI kém đi. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản, sắt thép, dệt may đều giảm. Doanh số bán lẻ và ngành du lịch cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.

Số liệu vĩ mô

–         Lạm phát tháng 2 dịu xuống do nhu cầu giảm sau Tết nguyên đán và giá năng lượng giảm trong bối cảnh nhu cầu của thế giới (đặc biệt là nhu cầu từ Trung Quốc) bị ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19. Chúng tôi kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp diễn trong những tháng tới nhờ nguồn cung thịt lợi hồi phục, giá năng lượng & hàng hóa cơ bản giảm, đặc biệt sau phiên “sụp đổ” của thị trường dầu mỏ ngày 9/3/2020. Giá dầu mỏ điều chỉnh đáng kể cho đến nay là do sự rạn nứt trong liên minh OPEC+ và cuộc chiến giá dầu nổ ra giữa Saudi Arabia và Nga.

–         Lạm phát giảm đồng nghĩa NHNN sẽ có thêm dư địa để thực hiện kích thích kinh tế bằng chính sách tiền tệ. Đúng như chúng tôi kỳ vọng, NHNN đã giảm các lãi suất điều hành (lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu) kể từ 17/3/2020.

–         Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng và nhà máy tại Trung Quốc. Sự suy giảm vốn FDI từ Trung Quốc đã thể hiện rõ trong 2 tháng đầu năm 2020 (vốn FDI đăng ký mới giảm 38% so với cùng kỳ so với mức tăng 1.044% so với cùng kỳ trong 2 tháng đầu năm 2019). Chúng tôi đã điều chỉnh giảm dự báo vốn FDI giải ngân cho năm 2020 từ 25 tỷ USD xuống còn 21,7 tỷ USD; tăng 6,5% so với mức tăng 6,7% trong năm 2019.

–         Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rõ ràng lên hoạt động xuất khẩu của ngành nông nghiệp, sắt thép và dệt may do sự gián đoạn chuỗi cung ứng và hạn chế giao thương qua biên giới. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu sản phẩm điện tử tăng mạnh cho thấy mặt hàng xuất khẩu có tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa bị ảnh hưởng.

–         Trong bối cảnh chính quyền các nước trên thế giới đang chống dịch, thì sự suy giảm tăng trưởng hay thậm chí là suy thoái toàn cầu đang trở thành một rủi ro đáng kể. Điều này có thể ảnh hưởng đến tình hình thương mại thế giới và kim ngạch xuất khẩu có thể sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn trong những tháng tới. Có một điểm sáng là chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu sang thị trường EU (chiếm 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019) sẽ tăng tốc trong năm 2020 sau khi EVFTA có hiệu lực.

–         Doanh số bán lẻ dịch vụ và ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. chúng tôi cho rằng doanh số bán lẻ dịch vụ vẫn chịu áp lực trước ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 đối với nhu cầu trong nền kinh tế, đặc biệt sau khi xuất hiện các ca nhiễm mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng hóa (chiếm 78,5% tổng doanh số bán lẻ) chịu ảnh hưởng ít hơn.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai

–         Số ca nhiễm mới được công bố đã giảm mạnh tại Trung Quốc nhưng tăng lên nhanh chóng ở các quốc gia khác trên thế giới. Việt Nam đã ghi nhận 28 ca nhiễm mới chỉ trong vòng 1 tuần. Điều này đã dẫn đến tình trạng hạn chế nhập cảnh du lịch trên diện rộng và dấy lên lo ngại ảnh hưởng tiêu cực về mặt kinh tế có thể lớn hơn.

–         Chúng tôi kỳ vọng tình trạng gián đoạn tại các chuỗi cung ứng của Trung Quốc sẽ cải thiện trong Q2/2020 khi dịch Covid-19 đang dần được khống chế tại nước này. Theo đó các cửa khẩu có thể được mở cửa trở lại, giúp giảm bớt tình trạng hạn chế giao thương sẽ và hoạt động thương mại sẽ bình thường trở lại.

Những biện pháp ứng phó chủ động sẽ hỗ trợ tăng trưởng GDP

–         Mặc dù lo ngại ảnh hưởng của dịch Covid-19 và khả năng nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại, Chính phủ vẫn chưa điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng 6,8% đề ra cho năm nay. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh đang trở nên rõ nét. Cho đến nay, ngành vận tải, du lịch và nông nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

–         Chúng tôi tin rằng những biện pháp ứng phó của chính phủ, gồm giảm lãi suất điều hành và đưa ra gói hỗ trợ tín dụng & tài khóa là hợp lý và cần thiết. Điều này có thể hỗ trợ tăng trưởng GDP ở một mức độ nhất định, gợi nhớ lại những hành động Việt Nam đã thực hiện nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

–         Tuy nhiên, với những biện pháp trên, chúng tôi cho rằng thâm hụt ngân sách sẽ tăng lên. Chúng tôi điều chỉnh dự báo thâm hụt ngân sách cho năm 2020 lên 3,78% GDP từ 3,5% GDP (mục tiêu của chính phủ là 3,44% GDP). Chúng tôi sẽ xem xét điều chỉnh dự báo GDP năm 2020 với khả năng điều chỉnh giảm đáng kể dự báo.

DOWNLOAD BẢN FULL

Xem thêm

Download tài liệu Retailing 2020: Winning in a polarized world theo PwC

Download tài liệu E-Conomy SEA 2019 – Nền Kinh tế Internet Đông Nam Á 2019

Cập nhật: Vai trò của CFO đang thay đổi