Tác động của công nghệ số là một chủ đề quan trọng thu hút sự quan tâm đối với nhân sự ngành Tài chính – Kế toán trên toàn thế giới. Công nghệ đem đến các giải pháp hiện đại giúp các hệ thống, quy trình của doanh nghiệp vận hành nhanh chóng và thuận tiện hơn, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Nhìn vào thực tế, nhân sự ngành Tài chính – Kế toán phải làm gì để đuổi kịp sự phát triển chóng mặt của “cơn bão” chuyển đổi công nghệ số?

1. Cơn bão công nghệ số thúc đẩy sự phát triển của ngành Tài chính – Kế toán như thế nào?

Cách đây 20 năm, kế toán theo dõi sổ sách, chứng từ bằng giấy. Vào đầu những năm 2000, máy tính trở thành công cụ làm việc chính của nhân sự ngành Tài chính – Kế toán. Những năm gần đây, cơn bão công nghệ số với những khái niệm AI, Robotics, Machine Learning… đã thúc đẩy ngành Tài chính – Kế toán phát triển nhanh chóng, rộng khắp và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Trên thế giới, những cải tiến được thực hiện bởi nhiều lĩnh vực công nghệ mới, bao gồm lưu trữ đám mây, Robotic Process Automation (RPA), trí tuệ nhân tạo AI, Fintech được xây dựng trên các thế hệ công nghệ trước đó, như hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP). Việt Nam cũng đang là một “ngôi sao đang lên” trong ngành công nghiệp số toàn cầu, với ảnh hưởng của Fintech lên các doanh nghiệp.

Chính những cải tiến trên là nền tảng cho sự phát triển của ngành Tài chính – Kế toán cũng như động lực cho sự thay đổi vai trò của nhân sự, với ưu thế tiên tiến sau:
• Chi phí thấp hơn. Với sự xuất hiện của điện toán đám mây, nhân sự giờ đây có thể có thể dễ dàng truy cập, chia sẻ và phân tích dữ liệu tài chính quan trọng của tổ chức. Việc kết nối và truy xuất dữ liệu dễ dàng cũng thúc đẩy việc ra quyết định nhanh chóng và kịp thời, dựa trên cơ sở dữ liệu, thông tin lớn hơn.
• Các thuật toán thông minh và chính xác hơn. Các quy trình tự động sử dụng AI có thể lấy dữ liệu từ một số nguồn, hợp nhất, đối chiếu và báo cho nhân sự ngay lập tức nếu có sai phạm. Theo báo cáo “Digital Finance – Beyond the hype” của Accenture Operation, các thuật toán đã đạt được khả năng xác định gian lận và cải thiện độ chính xác trong việc ghi lại các giao dịch từ 75% đến hơn 98%.
• Tốc độ xử lý nhanh hơn. Sự lên ngôi của Blockchain hạn chế các kết nối trung gian, hàng triệu giao dịch có thể được xử lý trong thời gian thực (real-time), với dữ liệu được trích xuất và đưa vào các quy trình tài chính thúc đẩy quá trình ra quyết định.
• Loại bỏ những nhiệm vụ lặp đi lặp lại. Tiến bộ công nghệ cũng giúp trí tuệ nhân tạo (AI), robot và chatbot đảm nhận các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, tốn thời gian và dư thừa của kế toán viên như ghi chép sổ kế toán, lưu trữ, báo cáo và đối chiếu.
• Thông tin được trình bày một cách trực quan. Bên cạnh việc xử lý thông tin nhanh chóng với quy mô dữ liệu lớn, việc trực quan hóa dữ liệu bằng các biểu đồ, Dashboard động cũng mang lại rất nhiều lợi ích trong việc thống kê thông tin tài chính, kế toán quản trị và hỗ trợ ra quyết định kinh doanh.

7 phẩm chất quan trọng của một kế toán giỏi

1604.2

2. Con đường chuyển đổi kỹ thuật số cũng có nhiều thách thức, trong đó nhân sự đóng vai trò trọng tâm

Trước những lợi ích mà công nghệ đem lại trong lĩnh vực Tài chính – Kế toán, nhân sự trong ngành đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mà trước nhất là sự thiếu hụt nhân sự vừa có năng lực chuyên môn trong lĩnh vực Tài chính – Kế toán, vừa có những kỹ năng về ứng dụng công nghệ mới.

1604.3Tác động của công nghệ số đến thị trường lao động các ngành của Việt Nam 2030 và 2045 – Nguồn: Vietnam’s Future Digital Economy – Towards 2030 and 2045

Từ biểu đồ trên, có thể thấy Tài chính là một trong những ngành đang đứng trong “vùng nguy hiểm” của quy luật đào thải từ công nghệ số. Tương tự, trong vòng 5 đến 10 năm tới, công nghệ cũng sẽ tiếp tục tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho kế toán viên.
Phần lớn nhân sự trong ngành hiện đang sử dụng thời gian cho các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, mang tính chất thủ công và tốn thời gian trong quy trình nhập, xử lý và xuất dữ liệu báo cáo, có thể làm chậm trễ các quyết định quan trọng, giảm lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Và do vậy theo thời gian có khả năng dần dần bị thay thế bởi đội ngũ toàn diện và hiện đại hơn.

3. Nhân sự Tài chính – Kế toán cần trang bị những gì trong môi trường làm việc kỹ thuật số hiện nay?

Đối mặt với những thách thức mới mà chuyển đổi công nghệ số mang lại, nhân sự trong ngành Kế toán – Tài chính cần có bước chuyển mình trong vai trò và kỹ năng, để phối hợp hiệu quả với máy móc và công nghệ.

Nâng cao công nghệ và kỹ năng phân tích dữ liệu (Data Analytics)

Thực tế cho thấy rằng người làm Tài chính – Kế toán tiếp xúc nhiều với nhân viên công nghệ thông tin hay các nhà khoa học dữ liệu cho những nhiệm vụ phức tạp về dữ liệu. Thay vì được định hình triệt để ở một chức năng tài chính, kế toán viên hay nhân sự tài chính chuyên nghiệp cần những kỹ năng mạnh mẽ hơn về công nghệ và dữ liệu.

Khi công nghệ và nhu cầu về tài chính tiếp tục phát triển, nhân sự phải có cái nhìn chuyên sâu về bối cảnh công nghệ, có khả năng tiếp cận thường xuyên và tăng tốc trong tương lai. Bên cạnh đó, việc thường xuyên đưa ra những giả định, thách thức trong công nghệ và đề xuất hướng giải quyết cũng rất cần thiết. Sự biến chuyển của công nghệ là không ngừng nên họ cũng cần “thái độ số”, đó là luôn tìm hiểu và cởi mở, khả năng thích ứng và sẵn sàng thay đổi.

Về các kỹ năng phân tích dữ liệu, việc sử dụng tốt các công cụ phân tích căn bản như Excel là yêu cầu tiên quyết. Tuy nhiên, với các tính năng mới hiện đại như Power Query, Power Pivot, Pivot Table trong Excel 2016 trở đi đã hỗ trợ rất nhiều cho nhân sự ngành Tài chính – Kế toán để tối ưu truy xuất, tổng hợp dữ liệu đa nguồn, lập các báo cáo Dashboard trực quan. Bên cạnh đó, người làm Tài chính – Kế toán cần dành nhiều thời gian hơn cho những nhiệm vụ phân tích từ dữ liệu đòi hỏi các kỹ năng phức tạp và chuyên môn cao. Các nghiên cứu cũng đưa ra các ví dụ về kế toán viên chuyên nghiệp làm công việc phân tích nâng cao hơn và phát triển các kỹ năng về Power BI hoặc SQL. Xa hơn nữa, những người làm việc với robot thường phát triển các kỹ năng xung quanh RPA (Robotic Process Automation), ngay cả khi phần lớn công việc thực hiện được thực hiện bởi các chuyên gia công nghệ.

Phát triển kỹ năng kinh doanh và kỹ năng mềm

Suy cho cùng, mục tiêu cuối cùng của dữ liệu tài chính hay chuyển đổi kỹ thuật số là tăng cường hỗ trợ kinh doanh. Chính vì vậy, những kiến thức kinh doanh và kỹ năng mềm cũng nên được quan tâm và phát triển.
Các chuyên gia tài chính cần có một nền tảng rộng lớn về kiến thức kinh doanh và thương mại bao gồm kỹ năng bán hàng, lập kế hoạch kinh doanh… Các kế toán viên chuyên nghiệp cũng nên hiểu rõ điều gì đang thúc đẩy thành công kinh doanh, làm thế nào sử dụng các số liệu phù hợp để đo lường và theo dõi các quy trình từ đầu đến cuối nhằm cung cấp các hoạt động kinh doanh hiệu quả. Điều này có thể đạt được từ việc tham gia vào các chức năng hoặc bộ phận khác của doanh nghiệp.

Việc hỗ trợ các hoạt động kinh doanh cũng nhấn mạnh các kỹ năng giao tiếp và kết nối để truyền đạt những hiểu biết đáng tin cậy từ dữ liệu và quản lý rủi ro xung quanh công nghệ. Do đó, kỹ năng thấu hiểu, đồng cảm và giải quyết vấn đề sẽ là những kỹ năng ngày càng quan trọng. Xa hơn, kỹ năng tư duy phản biện dù khó có thể đạt được nhưng cũng rất cần thiết để đưa ra những đánh giá quyết định – nền tảng cho việc sử dụng dữ liệu hiệu quả.

Tiếp thu đào tạo và thay đổi cách tiếp cận.

Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng về kiến thức công nghệ, nhiều tổ chức hay doanh nghiệp đã và đang triển khai các khóa học để nâng cao nhận thức chung về xu hướng công nghệ.

Điều mà nhân sự Tài chính – Kế toán cần làm lúc này là đón nhận một nền văn hóa thay đổi và học hỏi không ngừng. Việc ở trong vùng thoải mái có thể giảm bớt gánh nặng trong thời gian đầu, nhưng lại là rào cản để tiếp cận những chuyển đổi số hóa và biến những kiến thức chuyên ngành trở nên cũ kỹ và kém hiệu quả. Là một phần của quy trình đào thải không ngừng, nhân sự cần tập trung vào phía trước hơn, chấp nhận rủi ro và học hỏi từ thất bại. Cách tiếp cận này được cho là rất cần thiết để bắt đầu và đạt được một số tiến bộ, mặc dù phải có kỷ luật vững chắc cũng như tập trung rõ ràng vào giá trị.

1604.4

Kết luận

Có thể nói, chuyển đổi kỹ thuật số đòi hỏi nhiều hơn là chỉ đầu tư vào công nghệ – nó cũng đòi hỏi đầu tư vào con người. Điều này có thể bao gồm phát triển các kỹ năng xử lý công nghệ và dữ liệu mới, có được kiến thức kinh doanh sâu rộng hơn, phát triển các kỹ năng mềm cũng như thay đổi thái độ và cách tiếp cận với đào tạo.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng mặc dù máy móc sẽ trở thành đồng nghiệp có giá trị nhất của chuyên gia kế toán trong tương lai, nhưng không có gì có thể thay thế trí tuệ cảm xúc mà con người mang lại cho công việc.

                                                  Bài viết của UniTrain đăng trên chuyên mục Kỹ Năng Chuyên Ngành 

HR Insider

Xem thêm 

7 phẩm chất quan trọng của một kế toán giỏi

Xu hướng phát triển của lĩnh vực kế toán và cơ hội với Việt Nam

Lợi ích của kỹ năng lập trình trong sự nghiệp của một Kế toán viên