Ấn tượng trực tuyến rất quan trọng, đặc biệt là trên một mạng xã hội chuyên nghiệp như LinkedIn. Hãy tạo ấn tượng tốt nhất có thể!
1. Ảnh đại diện kém chuyên nghiệp
Hình ảnh đại diện là một trong những điều đầu tiên mọi người nhìn thấy trên LinkedIn. Nếu đó là một bức ảnh tự sướng với biểu cảm kém nghiêm túc và trang phục không chỉn chu, bạn đang vô tình thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp.
Ảnh LinkedIn lý tưởng nhất miêu tả bạn trong một ngày làm việc bình thường. Hình ảnh nên được chụp từ ngực lên không chỉ là khuôn mặt của bạn, cũng không cần chụp toàn thân. Một bức ảnh trước một phông nền trắng sẽ là một lựa chọn hoàn hảo.
2. Tiêu đề không đúng mục đích
Dòng tiêu đề xuất hiện ngay bên dưới tên của bạn trên trang hồ sơ đủ để thấy tầm quan trọng của nó. Bất cứ điều gì bạn chọn để đặt tiêu đề, hãy chắc chắn rằng nó ngắn gọn và chính xác.
Chức danh công việc và nơi làm việc là hai nội dung mà người ta thường đưa lên tiêu đề. Đối với sinh viên, một dòng tương tự “Engineering Student at X University” sẽ là nền tảng để tìm việc trong tương lai. Nếu bạn có một cơ hội thực tập, hãy đặt nó làm tiêu đề của bạn (và thay đổi khi kỳ thực tập kết thúc). Nếu bạn đang tích cực tìm kiếm một vị trí, hãy thể hiện điều đó trên tiêu đề.
3. Phần giới thiệu lan man
Phần Giới thiệu của bạn sẽ trả lời ba câu hỏi rất đơn giản: bạn làm gì, bạn đã làm gì và bạn muốn làm gì?
Khi viết phần này trong hồ sơ LinkedIn, hãy tưởng tượng rằng bạn đang tham gia một sự kiện net-work và có khoảng ba câu để gây ấn tượng với một người không biết bạn và không thực sự quan tâm bạn là ai. Bạn sẽ nói gì? Đó là những gì bạn viết trong phần Giới thiệu.
4. Phần kinh nghiệm là một “mớ hỗn độn”
Sơ yếu lý lịch, đầu tiên và quan trọng nhất, là một câu chuyện. Và chìa khóa để kể một câu chuyện hay là biết những gì cần thêm vào và những gì cần bỏ qua. Bạn nên thêm vào những kinh nghiệm có liên quan đến nhau. Trong trường hợp không có kinh nghiệm, một công việc part-time có liên quan cũng có thể hữu ích. Nếu không, hãy giữ mọi thứ đơn giản và dễ hiểu.