Việc vận dụng các kỹ thuật kiểm toán báo cáo tài chính để tiến hành thu thập các bằng chứng đóng vai trò quyết định đến chất lượng của cuộc kiểm toán và phụ thuộc rất nhiều vào tính xét đoán nghề nghiệp của kiểm toán viên. Unitrain giới thiệu với các bạn các kỹ thuật thu thập bằng chứng cơ bản áp dụng trong một cuộc kiểm toán BCTC.

1. Chứng kiến kiểm kê – Stock count observation

Kiểm tra vật chất là quá trình kiểm kê tại chỗ hoặc tham gia kiểm kê các loại tài sản của đơn vị. Chứng kiến kiểm kê là một thủ tục kiểm toán phổ biến nhất giúp kiểm toán viên xác nhận tính hiện hữu của tài sản.

Chứng kiến kiểm tra vật chất thường được áp dụng đối với tài sản có dạng vật chất cụ thể như: hàng tồn kho, tài sản cố định, tiền mặt, nhưng nó cũng được vận dụng cho quá trình kiểm tra các giấy tờ thanh toán có giá trị, chẳng hạn như khi một trái phiếu lập ra chưa được ký thì nó là một chứng từ, sau khi ký thì nó là một tài sản, do đó có thể áp dụng kỹ thuật kiểm tra vật chất.

2. Lấy xác nhận – Confirmation letter

Lấy xác nhận là quá trình thu thập thông tin do bên thứ ba độc lập cung cấp để xác minh tính chính xác của các thông tin trên báo cáo tài chính. Phương pháp này được áp dụng hầu như trong tất cả các cuộc kiểm toán. Các đối tượng mà kiểm toán viên thường gửi thư xác nhận có thể được khái quát trong bảng sau:

Đối tượng         Đơn vị xác nhận
Tài sản
1.     Tiền gửi ngân hàng Ngân hàng
2.     Khoản phải thu Khách nợ
3.     HTK gửi ở đại lý Đại lý
Công nợ
1.     Khoản phải trả Chủ nợ
2.     Trả trước của khách hàng Khách hàng

 

Có 2 hình thức: xác nhận phủ định và xác nhận khẳng định.

– Xác nhận phủ định: Kiểm toán viên yêu cầu người xác nhận gửi thư phản hồi nếu có sai khác giữa thực tế với thông tin kiểm toán viên nhờ xác nhận.

– Xác nhận khẳng định: Kiểm toán viên yêu cầu người xác nhận gửi thư phản hồi cho tất cả các thư xác nhận dù thực tế có trùng khớp với thông tin mà kiểm toán viên quan tâm hay không. Hình thức này do đó đảm bảo tin cậy hơn cho kỹ thuật xác nhận, nhưng chi phí cũng cao hơn. Vì thế tuỳ theo mức độ hệ trọng của thông tin mà kiểm toán viên sẽ lựa chọn hình thứ phù hợp.

3. Xác minh tài liệu – Test of details

Xác minh tài liệu là quá trình xem xét, kiểm tra đối chiếu các chứng từ, sổ sách có liên quan sẵn có trong đơn vị để chứng minh một thông tin trên báo cáo tài chính.

Chứng từ được KTV xen xét, kiểm tra là các sổ sách, chứng từ mà công ty khách hàng sử dụng để cung cấp thông tin cho quản lý. Vì từng nghiệp vụ kinh tế ở công ty khách hàng thường được chứng minh bởi ít nhất một chứng từ nên luôn có sẵn một khối lượng lớn loại bằng chứng này. Phương pháp này được áp dụng đối với: hoá đơn bán hàng, phiếu nhập kho, xuất kho, hoá đơn vận tải, sổ kế toán …

4. Quan sát – Observation

Quan sát là phương pháp được sử dụng để đánh giá một thực trạng hay một hoạt động của đơn vị được kiểm toán bằng các giác quan

Ví dụ, kiểm toán viên có thể đi quan sát đơn vị được kiểm toán để có ấn tượng chung về máy móc thiết bị của đơn vị, quan sát tính cũ mới cũng như sự vận hành của máy móc, nhìn các nhân viên thực thi các nhiệm vụ kế toán để xác định liệu người được giao trách nhiệm có hoàn thành nhiệm vụ đó hay không.

5. Phỏng vấn – Interview

Phỏng vấn là quá trình kiểm toán viên thu thập thông tin bằng văn bản hay bằng lời nói qua việc thẩm vấn những người hiểu biết về vấn đề kiểm toán viên quan tâm.

Ví dụ, thẩm vấn khách hàng về những qui định kiểm soát nội bộ, hoặc hỏi nhân viên về sự hoạt động của những qui chế này.

6. Kỹ thuật tính toán – Recalculation

Kỹ thuật tính toán là quá trình kiểm toán viên kiểm tra tính chính xác về mặt số học của việc tính toán và ghi sổ.

Ví dụ, đối với kiểm tra việc tính toán, kiểm toán viên xem xét tính chính xác (bằng cách tính lại) các hóa đơn, phiếu nhập – xuất kho, số liệu hàng tồn kho, tính toán lại chi phí khấu hao, giá thành, các khoản dự phòng, thuế, số tổng cộng trên sổ chi tiết và sổ cái, … Kỹ thuật này chỉ quan tâm đến tính chính xác thuần tuý về mặt số học, không chú ý đến sự phù hợp của phương pháp tính được sử dụng. Do đó, kỹ thuật này thường được sử dụng cùng với các kỹ thuật khác như kiểm tra tài liệu, kiểm tra vật chất, phân tích, … trong quá trình thu thập bằng chứng.

7. Phân tích – Analytical review

Phân tích là quá trình so sánh, đối chiếu, đánh giá các mối quan hệ để xác định tính hợp lý của các số dư trên tài khoản. Các mối quan hệ bao gồm quan hệ giữa các thông tin tài chính với nhau và quan hệ giữa các thông tin tài chính với các thông tin phi tài chính.

Có  ba kỹ thuật phân tích sau: kiểm tra tính hợp lý, phân tích xu hướng và phân tích tỷ suất:

  • Kiểm tra tính hợp lý sử dụng kết hợp các dữ liệu hoạt động, dữ liệu tài chính và được lập ra để kiểm tra sự tương ứng giữa hai loại dữ liệu này. Do dó mức độ chính xác hay tính tin cậy của bằng chứng thu thập được khi kiểm tra hợp lý được xem là cao nhất.
  • Phân tích tỷ suất được dựa trên mối quan hệ giữa các báo cáo khác nhau có mối liên quan nên việc phân tích các tỷ suất cũng có thể cung cấp thông tin có giá trị.

Phân tích xu hướng được xem là cung cấp dữ liệu có độ tin cậy thấp nhất vì kỹ thuật này thường dùng nhiều vào việc xem xét dữ liệu năm trước.

Xem thêm
– Khóa học Kiểm toán thực hành
– Khóa học thực hành Excel trong Kiểm toán 
– Khóa học ACCA F2 
– Khóa học ACCA F3 

Leave us a Reply