Thuật ngữ “soát xét” và “kiểm toán” là khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người nhầm lẫn về hai thuật ngữ này. Để tìm hiểu về sự khác biệt giữa soát xét và kiểm toán (REVIEW vs AUDIT), chúng ta cùng đi qua các điểm chính sau đây:
1. Cơ sở pháp lý:
Công việc kiểm toán của các doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam cần phải tuân thủ theo các chuẩn mực kiểm toán tại Việt Nam.
Trong khi soát xét báo cáo tài chính chỉ cần tuân theo chuẩn mực kiểm toán 910 “công tác soát xét báo cáo tài chính” và chuẩn mực kiểm toán số 200 “mục tiêu và nguyên tắc cơ bản chi phối báo cáo tài chính”.
2. Mức độ đảm bảo:
Kiểm toán viên thực hiện kiểm toán theo chuẩn mực kiểm toán Việt Nam để có được một sự đảm bảo hợp lý rằng báo cáo tài chính nếu có sai sót trọng yếu thì đã được kiểm toán viên phát hiện và trình bày trong báo cáo kiểm toán. Báo cáo tài chính đã được kiểm toán nói chung không còn (hoặc không có) sai sót trọng yếu. Mặc dù sự đảm bảo này không mang tính tuyệt đối nhưng là đảm bảo rất cao.
Công tác soát xét không phải là kiểm toán nên các thủ tục thực hiện cung cấp một mức độ đảm bảo vừa phải và thấp hơn so với cuộc kiểm toán.
3. Nội dung công việc:
Để thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán viên phải tìm hiểu tình hình kinh doanh, đánh giá về hệ thống kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp, trên cơ sở đó lập kế hoạch kiểm toán trong đó thiết lập các thử nghiệm cần thiết để thu thập bằng chứng kiểm toán một cách đầy đủ và thích hợp. Bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp khi nó khẳng định được cơ sở dẫn liệu của báp cáo tài chính (căn cứ của các khoản mục và thông tin trình bày trên báo cáo tài chính). Các phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán bao gồm kiểm tra, quan sát, điều tra, xác nhận, tính toán và quy trình phân tích.
Công tác soát xét chỉ giới hạn ở việc điều tra và áp dụng thủ tục phân tích. Soát xét báo cáo tài chính là hoạt động nhằm đưa ra ý kiến kết luận là không (hoặc có) phát hiện ra sự kiện trọng yếu nào làm cho kiểm toán viên cho rằng báo cáo tài chính không được lập phù hợp với chuẩn mực kế toán Việt Nam (hoặc chuẩn mực kế toán được chấp nhận), xét trên mọi khía cạnh trọng yếu. Soát xét báo cáo tài chính không yêu cầu kế toán phải hiểu rõ về kiểm soát nội bộ, tiếp cận với rủi ro gian lận hay bất cứ một quy trình kiểm toán nào. Do đó, một báo cáo soát xét không thể cung cấp đầy đủ bằng chứng hay thông tin như một báo cáo kiểm toán.
4. Báo cáo:
Báo cáo kiểm toán là loại báo cáo bằng văn bản do kiểm toán viên và công ty kiểm toán lập để công bố và nêu rõ ý kiến kiểm toán chính thức về báo cáo tài chính của một đơn vị đã được kiểm toán. Báo cáo kiểm toán phải ghi rõ là công việc kiểm toán đã được lập kế hoạch và thực hiện để có được sự đảm bảo hợp lý là các báo cáo tài chính không còn chứa đựng những sai sót trọng yếu. Trong trường hợp kiểm toán viên bị giới hạn về phạm vi kiểm toán hoặc kiểm toán viên thu thập được bằng chứng đầy đủ và thích hợp về việc báo cáo tài chính của doanh nghiệp không phản ánh trung thực, hợp lý tính hình tài chính của doanh nghiệp thì kiểm toán viên có thể đưa ra các ý kiến chấp nhận toàn phần, không chấp nhận hoặc từ chối đưa ra ý kiến.
Báo cáo kết quả công tác soát xét là báo cáo bằng văn bản do kiểm toán viên và công ty kiểm toán lập để công bố kết quả công tác soát xét. Trong đó phải có ý kiến rõ ràng thể hiện dưới hình thức đảm bảo vừa phải. Kiểm toán viên phải xem xét và đánh giá các kết luận thu thập được từ các bằng chứng là cơ sở của sự đảm bảo vừa phải này.
5. Thời gian thực hiện và chi phí:
Nếu cùng một báo cáo tài chính của một doanh nghiệp trong cùng một niên độ thì thời gian thực hiện một cuộc kiểm toán luôn kéo dài hơn nhiều so với soát xét báo cáo tài chính. Thông thường thời gian thực hiện soát xét tối đa không quá 50% thời gian kiểm toán của cùng một đối tượng vì vậy chi phí soát xét cũng giảm tương ứng so với chi phí kiểm toán. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp đã thực hiện soát xét báo cáo tài chính bán niên thì thời gian và chi phí cho kiểm toán báo cáo tài chính cả năm có thể giảm đáng kể.
Như vậy, mặc dù hoạt động soát xét báo cáo tài chính không cung cấp sự đảm bảo cao về tính trung thực và hợp lý của báo cáo tài chính, nhưng việc quy định bắt buộc các doanh nghiệp niêm yết phải thực hiện soát xét báo cáo tài chính bán niên và công bố báo cáo kết quả soát xét cùng với việc công bố báo cáo tài chính là cần thiết đặc biệt trong điều kiện Việt Nam hiện nay, khi có rất nhiều thông tin chính thức và không chính thức liên quan đến gian lận về công bố thông tin.
Leave us a Reply