Trên thế giới, IFRS đã và đang được 119 quốc gia và lãnh thổ quy định bắt buộc đa số các công ty đại chúng phải tuân thủ, 133 quốc gia và lãnh thổ cam kết áp dụng và triển khai IFRS.
 
IFRS là chuẩn mực kế toán chung giúp báo cáo tài chính của các công ty dễ hiểu, dễ so sánh và đáng tin cậy trên phạm vi toàn cầu, được ban hành và phát triển bởi International Accounting Standards Board (IASB), trước đây là International Accounting Standards (IAS).
 
Quan điểm của Ngân hàng Thế giới là, các quốc gia nên ưu tiên chấp nhận IFRS hơn là xây dựng các thông lệ kế toán theo điều kiện của từng nước, bởi các chuẩn mực này được quốc tế chấp nhận rộng rãi và có sự linh hoạt trong việc hợp nhất những thông lệ tốt nhất trên thế giới. Nhiều năm qua, Ngân hàng Thế giới cũng chấp nhận IFRS làm cơ sở cho việc trình bày các báo cáo tài chính được đệ trình của những khách hàng sử dụng các khoản vay và tín dụng của Ngân hàng này.
 
Theo ông Lê Vũ Trường, Phó tổng giám đốc Dịch vụ kiểm toán, EY Vietnam, các quốc gia trên thế giới hiện đang vận dụng IFRS theo ba phương án sau:
– Thứ nhất, áp dụng toàn bộ IFRS cho tất cả các doanh nghiệp. Theo phương án này, IFRS được áp dụng toàn bộ, mà hầu như không có bất cứ sự điều chỉnh hay thay đổi nào như ở Nam Phi, Thụy Sỹ, Mông Cổ, …
– Thứ hai, áp dụng IFRS có điều chỉnh. Một số quốc gia Đông Âu, Trung Quốc, Indonesia, Lào… đã áp dụng phương án này và đây cũng là phương án Việt Nam đã áp dụng trong suốt hơn 15 năm qua. Theo đó, các quốc gia không chấp nhận toàn bộ hệ thống chuẩn mực IFRS do IASB ban hành, mà có sự điều chỉnh, bổ sung hệ thống chuẩn mực kế toán quốc gia hiện hành để tiệm cận với IFRS theo lộ trình.
– Thứ ba, áp dụng toàn bộ IFRS cho một số doanh nghiệp phù hợp. Phương án này được phần lớn các nước như Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… áp dụng. Theo đó, bắt buộc áp dụng IFRS cho các doanh nghiệp thuộc công ty niêm yết và mở rộng thêm một số doanh nghiệp có quy mô lớn, tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, các doanh nghiệp muốn tự nguyện áp dụng… theo một lộ trình 2 – 3 năm.
 
Hiện nay, theo Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán – Bộ Tài chính đang triển khai Chiến lược Kế toán – Kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó việc phát triển và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về Chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách cần phải được sớm triển khai để đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế trong giai đoạn mới. Để làm được điều này, Bộ tài chính đang xây dựng đề án đưa IFRS vào Việt Nam và cập nhật, ban hành mới VAS. Theo đó lộ trình áp dụng IFRS dự kiến như sau:

Giai đoạn 2017 – 2018:

✔️ Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia, DN, trường đại học về các nội dung dự thảo VAS/VFRS và IFRS
✔️ Đào tạo, dịch tài liệu về IFRS
✔️ Khảo sát sự sẵn sàng áp dụng IFRS tại các đơn vị có lợi ích công chúng.
✔️ Đánh giá tác động của việc áp dụng IFRS. Đánh giá sự khác biệt về cơ chế tài chính của Việt Nam với IFRS.
✔️ Lựa chọn một số đơn vị áp dụng thí điểm IFRS.

Giai đoạn 2018 – 2020:

✔️ Lựa chọn một số IFRS (khoản từ 10-20 IFRS) đơn giản phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam và công bố tuân thủ, áp dụng đối với tất cả các đơn vị có lợi ích công chúng từ năm 2020. Các đơn vị được lựa chọn thí điểm áp dụng từ 2019.
✔️ Xây dựng hướng dẫn áp dụng IFRS.
✔️ Tiếp tục tuyên truyền, quảng bá, đào tạo IFRS cho các DN, công ty kiểm toán, trường đại học.
 

Giai đoạn 2020 – 2023:

✔️ Tiếp tục công bố, tuân thủ thêm một số IFRS (dự kiến nâng số lượng IFRS được tuân thủ lên 30 Chuẩn mực).
✔️ Khuyến khích các đơn vị không có lợi ích công chúng, nhưng có đủ điều kiện và mong muốn được lập và trình bày BCTC theo IFRS.
✔️ Tiếp tục xây dựng hướng dẫn áp dụng IFRS.
✔️ Tiếp tục hỗ trợ các DN trong việc triển khai áp dụng, các trường đại học trong việc đào tạo IFRS.
 

Giai đoạn 2023 – 2025:

✔️ Tuyên bố tuân thủ hoàn toàn IFRS.
✔️ Tiếp tục hỗ trợ các DN và trường đại học, xây dựng hoàn chỉnh bộ hướng dẫn áp dụng IFRS và sửa đổi, bổ sung, cập nhật hàng năm theo sự thay đổi của quốc tế.
✔️ Ngoài ra, Bộ tài chính sẽ biên dịch IFRS từ tiếng anh sang tiếng việt, để làm căn cứ thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng nghiên cứu, áp dụng.
 
Dựa theo lộ trình áp dụng IFRS trên của Bộ Tài Chính, đây sẽ là chặng đường dài, có nhiều việc phải chuẩn bị, nhiều khó khăn và trở ngại phải vượt qua với chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người làm kế toán, kiểm toán, nhưng lợi ích với nền kinh tế rất to lớn. Do đó, các cá nhân người lao động, các chủ doanh nghiệp và các ban ngành cần hỗ trợ và hợp tác để triển khai hệ thống lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) hiệu quả theo lộ trình.
 
 ———————
Xem thêm

Leave us a Reply