Sau khi vượt qua những vòng thi tuyển và phỏng vấn, giai đoạn “deal lương” là bước quan trọng trong quy trình tuyển dụng nhưng hầu hết mọi người thường lướt qua dễ dàng hoặc không đủ sự chuẩn bị và kỹ năng để đạt kết quả tốt nhất. Vậy cần lưu ý những điểm nào để có một nghệ thuật “Deal lương” thành công? Các bạn cùng UniTrain tìm hiểu nhé!
 
1. TÌM HIỂU KỸ CÀNG
 
Trước tiên, để đưa ra mức lương phù hợp và mang lại quyền lợi cho mình, bạn cần khảo sát xem mức lương trung bình của vị trí công việc mà bạn ứng tuyển hiện nay trên thị trường là bao nhiêu. Tuy nhiên thực tế thường có nhiều sự chênh lệch, ví dụ lương của hai nhân viên cùng giữ chức vụ ở công ty start-up nhỏ lẻ và công ty nước ngoài lớn mạnh sẽ khác nhau vì một số yếu tố như trình độ, vị thế của doanh nghiệp, …
 
2. NGÀY ĐÊM LUYỆN TẬP
 
Những yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của việc thỏa thuận lương của bạn có thể là cách thể hiện tốt trong phỏng vấn, giọng nói, thần thái, … Vì vậy, trước khi tham gia phỏng vấn và tiến hành thỏa thuận lương, hãy luyện tập thật kỹ lưỡng để có thể phỏng vấn một cách tốt nhất về mọi mặt.
 
3. KHẲNG ĐỊNH GIÁ TRỊ BẢN THÂN
 
Trả lương cho nhân viên là điều mà công ty nào cũng cân nhắc kỹ, do đó sẽ chẳng dễ dàng xảy ra việc bạn kì kèo thì họ sẽ đồng ý. Để họ có thể chấp nhận lời đề nghị của mình, bạn cần cho nhà tuyển dụng thấy bạn thật sự nổi bật và xứng đáng với mức lương mà họ phải trả, cụ thể thông qua bằng cấp, kinh nghiệm, kỹ năng, …
 
4. KHÔNG NÊN SO SÁNH
 
Trong khi thỏa thuận lương, hãy tránh việc đưa ra những so sánh thiếu căn cứ để lý giải cho việc đề nghị lương của bạn như : “Tôi muốn lương của mình là $1,000 vì anh A đang làm công việc này có mức lương như vậy!”. Bởi lẽ, trước hết, có thể cùng một vị trí, nhưng mỗi người sẽ đảm nhiệm công việc khác nhau với mức độ khác nhau; tiếp đến, mức lương còn phụ thuộc vào thời gian làm việc, kinh nghiệm, … Do đó, đừng bao giờ so sánh nếu bạn muốn nhà tuyển dụng phải “chau mày”.
 
5. BÌNH TĨNH TRONG MỌI TRƯỜNG HỢP
 
Ngoài lương, chế độ đãi ngộ, phúc lợi, … cũng là những yếu tố bạn nên cân nhắc. Một số công ty tuy lương không “ngất ngưỡng” nhưng đổi lại, họ được hưởng những quyền lợi đáng ghen tị về chăm sóc sức khỏe, lương thưởng theo quý, du lịch nước ngoài, … Vì vậy, nếu như không may mắn thỏa thuận được mức lương mà mình mong muốn, hãy xem xét và mạnh dạn đòi hỏi về các quyền lợi khác cho bản thân.
 
6. ĐỪNG ĐỂ “LỜI NÓI GIÓ BAY”
 
Có một số trường hợp tại thời điểm phỏng vấn nhà tuyển dụng nhận thấy bạn khá tiềm năng tuy nhiên vẫn chưa đủ chắc chắn để nhận bạn với vị trí và mức lương đề xuất, hoặc giới hạn của chính sách nhân sự không cho phép lương tăng quá cao so với vị trí cũ. Khi đó để giữ chân ứng viên nhà tuyển dụng có thể sẽ thuyết phục bạn chấp nhận mức lương và vị trí thấp hơn kỳ vọng, tuy nhiên sẽ được tăng lương, tăng cấp trong vòng 6 tháng, 9 tháng (không đi theo lộ trình của công ty) nếu hoàn thành tốt công việc.
 
Khi đó, bạn nên đề nghị họ viết ngay một bản cam kết hoặc nêu rõ trong hợp đồng lao động. Bởi lẽ, để tránh việc đã thỏa thuận nhưng công ty lại “nuốt lời” thì cách tốt nhất là “giấy trắng mực đen” bạn nhé!
 

Leave us a Reply