Sự phát triển như vũ bão của công nghệ số và cuộc CMCN 4.0 không chỉ tác động mạnh mẽ đến từng quốc gia trên thế giới mà còn tác động không nhỏ đến các dịch vụ, ngành hàng, đặc biệt là ngành ngân hàng, tài chính.
Ngân hàng nỗ lực chuyển đổi số
Những hình thức thanh toán không tiếp xúc như quét mã QR, Samsung Pay, Apple Pay, thanh toán qua các ví điện tử Momo, Zalopay, Airpay, Ví Việt… đang dần trở nên phổ biến hơn với người dân, đặc biệt với giới trẻ yêu thích công nghệ và sử dụng điện thoại thông minh.
Theo một báo cáo của Công ty kiểm toán PwC, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng với lĩnh vực thanh toán di động, khi tỷ lệ người tiêu dùng tại Việt Nam sử dụng thanh toán di động từ mức 37% năm 2018 đã tăng lên 61% vào năm 2019, theo một báo cáo của PwC.
Khảo sát của Visa cũng cho thấy, Việt Nam đang đón nhận công nghệ thanh toán không tiếp xúc rất tốt. Cụ thể, hơn một nửa người Việt đã biết đến công nghệ thanh toán không tiếp xúc, 30% trong số họ từng sử dụng và hơn 2/3 sẵn sàng thử hình thức này thay thế tiền mặt trong tương lai.
Hiện tại, đã có 94% ngân hàng Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp, và chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới được triển khai tại một số ngân hàng tiên phong.
Bắt tay với các fintech
Trong giai đoạn các ngân hàng tăng cường quảng bá cho các kênh số hóa thì xu hướng liên kết với các công ty công nghệ tài chính (fintech) cũng đang là xu hướng phổ biến.
Việc các công ty công nghệ dựa trên nền tảng công nghệ để cung cấp dịch vụ tài chính, vốn thuần túy là của riêng ngân hàng, đặt ra mối lo về sự cạnh tranh khốc liệt giữa hai nhóm đối tượng này. Tuy nhiên, theo khảo sát của các chuyên gia năm 2017, có tới 91% các ngân hàng và 75% fintech mong muốn đẩy mạnh hợp tác với nhau.
Điều này không khó để lý giải. Bởi nếu như ngân hàng sở hữu thế mạnh về mạng lưới, uy tín, sản phẩm đa dạng… thì fintech lại mang tính chất là startup – sáng tạo và năng động – đặc biệt trong việc cải tạo, cập nhật công nghệ mới, đem lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng. Bên cạnh đó, các dịch vụ do fintech cung cấp có quy trình linh hoạt hơn, không cứng nhắc như ngân hàng….
Nhưng đổi lại, cũng chính vì là startup nên fintech thiếu đi sự ổn định, không được sự hỗ trợ về tính tuân thủ pháp lý, các quy định về an toàn tiền tệ, phòng chống rửa tiền… nên khó tạo được sự tin tưởng, uy tín thương hiệu cho các hoạt động tài chính. Do đó, xu hướng kết hợp hai bên lại với nhau là nhằm tận dụng những thế mạnh sẵn có và mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Thách thức trong chuyển đổi
Các chuyên gia cho rằng, cuộc CMCN 4.0 đã thúc đẩy các ngân hàng Việt Nam chạy đua trong việc hoàn thiện dịch vụ ngân hàng số nhằm đáp ứng những nhu cầu khách hàng mà ngân hàng truyền thống chưa làm được. Tuy nhiên, việc phát triển ngân hàng số đang đứng trước nhiều thách thức.
Tuy nhiên, thách thức trong triển khai ngân hàng số là rất lớn, từ việc xác thực người dùng, ứng dụng chữ ký số, an toàn bảo mật dữ liệu, yêu cầu cao về sự ổn định của hệ thống tới thích ứng nhanh với thay đổi của công nghệ… Thừa nhận công nghệ thông tin là lĩnh vực phát triển rất nhanh, nhiều quy định được ban hành. Song một chuyên gia cũng chia sẻ, vẫn còn có những quy định không còn phù hợp, gây cản trở cho việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin ngành Ngân hàng nói chung và việc triển khai ngân hàng số nói riêng.
Ngoài ra, bài toán nhân lực cũng là bài toán mang tính thời sự khi ngành Ngân hàng vẫn đang đứng trước những khó khăn về thiếu hụt nhân lực công nghệ chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia làm công tác an ninh thông tin.
<UniTrain tổng hợp>
—
Xem thêm