(BKTO) – Đại dịch Covid-19 đã gây ra tác động mạnh cho các DN về doanh số, lợi nhuận, quản lý rủi ro… Vì vậy, kiểm toán viên (KTV) cần quan tâm tới các sự kiện sau ngày kết thúc kỳ kế toán để có những minh chứng tin cậy về các chỉ tiêu tài sản và nợ phải trả của DN, từ đó đảm bảo trình bày các thông tin trung thực và hợp lý trên báo cáo tài chính (BCTC).
Các sự kiện cần quan tâm sau ngày kết thúc kỳ kế toán trong thời Covid-19
Theo Chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) số 10, các DN được yêu cầu phân biệt giữa các sự kiện sau kỳ báo cáo cần điều chỉnh các chỉ tiêu ở kỳ báo cáo (những sự kiện cung cấp thêm bằng chứng về điều kiện tồn tại của các thông tin, chỉ tiêu vào ngày báo cáo) và sự kiện sau ngày báo cáo không điều chỉnh (những sự kiện mà các điều kiện phát sinh và nguyên nhân dẫn tới nó sau ngày báo cáo không ảnh hưởng tới báo cáo ở kỳ kế toán trước).
Đồng thời, các DN cũng được yêu cầu cập nhật thông tin về tài sản hoặc nợ phải trả được ghi nhận trong BCTC của họ và giải trình bất kỳ sự kiện điều chỉnh nào xảy ra trong các sự kiện tiếp theo có nguy cơ hoặc trực tiếp ảnh hưởng tới BCTC năm trước. Thông thường, kỳ báo cáo sẽ là: 31/3, 30/6, 30/9 và 31/12 tùy theo cách thức lựa chọn và chu kỳ sản xuất kinh doanh, cũng như những yêu cầu trong công bố thông tin của từng quốc gia.
Trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến thay đổi đáng kể đối với tài sản hoặc nợ phải trả của các DN, sự kiện sau ngày kết thúc kỳ báo cáo sẽ cung cấp những minh chứng về diễn biến dịch bệnh và xem xét mức độ ảnh hưởng của các chỉ tiêu của kỳ báo cáo trước hoặc những ảnh hưởng đáng kể về các hoạt động trong tương lai của đơn vị. Tùy thuộc vào quy mô, bản chất của các sự kiện, cũng như ước tính về hiệu quả tài chính, DN sẽ có ứng xử phù hợp với các sự kiện sau ngày kết thúc kỳ báo cáo.
Ở góc độ KTV, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các sự kiện sau kỳ báo cáo tới các chỉ tiêu ở kỳ báo cáo là điều rất quan trọng. Nếu các sự kiện có ảnh hưởng trọng yếu, KTV sẽ yêu cầu đơn vị điều chỉnh các chỉ tiêu ở kỳ báo cáo. Nếu các sự kiện có nguy cơ ảnh hưởng trọng yếu ở kỳ báo cáo sau, KTV cần có đoạn nhấn mạnh, lưu ý người sử dụng trên báo cáo kiểm toán.
Theo đó, một số sự kiện cần giải trình trên bản thuyết minh BCTC hoặc nhấn mạnh trong báo cáo kiểm toán gồm: Kế hoạch của ban quản lý để đối phó với các ảnh hưởng của Covid-19 bùng phát và liệu có sự không chắc chắn trọng yếu về tính hoạt động liên tục của DN; nguy cơ về việc vi phạm các giao ước, từ bỏ hoặc sửa đổi các điều khoản hợp đồng trong các thỏa thuận cho vay; nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng; bắt đầu triển khai tái cấu trúc hoặc giảm quy mô (tạm thời hoặc vĩnh viễn).
Ngoài ra, KTV cũng cần lưu ý thêm một số sự kiện như: Giảm giá trị hợp lý của các khoản đầu tư được nắm giữ sau khi kỳ báo cáo; thay đổi lớn bất thường về giá tài sản hoặc tỷ giá ngoại tệ; ký kết các cam kết hoặc các khoản dự phòng quan trọng, chẳng hạn như như phát hành các bảo đảm đáng kể cho các bên liên quan; các khoản nợ có giá trị lớn trọng yếu so với tổng tài sản đến hạn trả nợ trong kỳ báo cáo liền kề.
Một số lưu ý đối với kiểm toán viên
Trong giai đoạn hiện nay, các KTV cần quan tâm tới những thông tin về tình hình kinh tế, chính trị nói chung và các chính sách của Nhà nước để đánh giá các rủi ro tổng thể; sự giao dịch trên thị trường về các tài sản tương tự mà DN đang nắm giữ sau ngày kết thúc kỳ kế toán; tình hình kinh doanh của các nhóm DN trong ngành đang là đối tác của DN như nhà cung cấp hoặc khách hàng.
Từ đó, đánh giá các rủi ro tổng thể về kinh tế chính trị, các chính sách của Chính phủ có thể thực hiện như: giãn cách xã hội, hạn chế giao dịch, hạn chế đi lại trong và ngoài nước sẽ ảnh hưởng tới các vấn đề về xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa trong nước điều này sẽ là một trong những nguyên nhân dẫn tới hàng hóa bị chậm luân chuyển và có nguy cơ giảm giá trị cao.
Đồng thời, KTV cần xem xét cân nhắc về việc lập dự phòng giảm giá đối với những hàng hóa chậm luân chuyển. Khi doanh thu giảm sút, dòng tiền của DN sẽ ảnh hưởng mạnh và cũng sẽ ảnh hưởng tới khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả của DN.
Các giao dịch trên thị trường về các tài sản tương tự mà DN đang nắm giữ sau ngày kết thúc kỳ kế toán sẽ cung cấp bằng chứng để KTV so sánh giá gốc của các tài sản DN đang nắm giữ với giá trị thị trường. Nếu giá trị thị trường của các tài sản (cổ phiếu, hàng hóa…) có nguy cơ giảm mạnh so với giá trị trên sổ sách tại thời điểm kết thúc kỳ kế toán, KTV cần xem xét tới việc trích lập dự phòng tổn thất tài sản.
Bên cạnh đó, KTV cần đánh giá tình hình kinh doanh của các đối tác như: khách hàng, nhà cung cấp, nhà đầu tư… dựa trên các yếu tố doanh thu, gián đoạn chuỗi cung ứng, đóng cửa kinh doanh tạm thời, tăng rủi ro tín dụng của khách hàng hoặc tăng chi phí…
Khi khách hàng khó khăn về tài chính và chậm trễ hoặc không có khả năng thanh toán các khoản nợ, chất lượng tài sản DN nắm giữ sẽ suy giảm và khả năng thu hồi phụ thuộc vào bên thứ 3 (các khoản nợ phải thu khách hàng). Ngược lại, khi nhà cung cấp gặp khó khăn tài chính, họ sẽ đốc thúc thu hồi công nợ, lúc này, KTV cần quan tâm tới khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả khi đến hạn của DN./.
Nguồn: Báo Kiểm toán Nhà nước
Xem thêm
Các nhân tố ảnh hưởng đến việc áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế tại Việt Nam
EY tập trung quyền lực ở châu Âu và tách khỏi mô hình Big Four điển hình