Năm 2021, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp với các biến thể mới, có tốc độ lây nhiễm nhanh và mạnh hơn năm trước đó. Tuy nhiên, thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam không vì đó mà ảm đạm, thậm chí còn phục hồi rõ rệt về tổng giá trị các thương vụ và ghi nhận khá nhiều giao dịch quy mô lớn và rất lớn.
Tập đoàn Sumitomo Mitsui (SMBC) mua 49% vốn FE Credit
Ngày 28/10, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã có thông báo chính thức về việc hoàn tất chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF), đơn vị thành viên của tập đoàn tài chính hàng đầu Nhật Bản – Sumitomo Mitsui Group.
Trước đó, hồi tháng 4, VPBank và SMBCCF đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng vốn. Như vậy hai bên cần tới 6 tháng để hoàn thành các bước và thủ tục cần thiết cho thương vụ tiêu biểu nhất năm 2021.
Với sự góp mặt của cổ đông Nhật Bản, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng sẽ đổi tên thành Công ty Tài chính TNHH VPBank SMBC. Trong đó, VPBank tiếp tục nắm giữ 50% vốn điều lệ tại FE Credit và 1% vốn điều lệ còn lại thuộc về một nhà đầu tư khác.
VPBank kỳ vọng việc giảm bớt gần một nửa cổ phần tại FE Credit sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng củng cố năng lực tài chính và mở rộng hơn nữa các hoạt động kinh doanh ở những phân khúc tiềm năng khác.
Trong khi đó, ngoài khoản đầu tư được “đồn đoán” là hơn 1,4 tỷ USD để mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh trong khu vực, SMBCCF cũng đem đến cho FE Credit nhiều động lực phát triển khác, đơn cử bằng cách chia sẻ những bí quyết và kinh nghiệm kinh doanh đã tích lũy được tại thị trường Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác.
Được biết, Sumitomo Mitsui Group là một trong ba tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất tại Nhật Bản, có tổng tài sản trên 2.100 tỷ USD tại thời điểm cuối năm 2020. Tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng bán lẻ, ngân hàng doanh nghiệp và ngân hàng đầu tư trên toàn cầu và hiện diện tại trên 40 quốc gia.
Sau khi thương vụ M&A này kết thúc, VPBank cho biết đã đóng góp khoảng 4.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
SHB chuyển nhượng toàn phần công ty tài chính cho ngân hàng Thái Lan
Cuối tháng 8, hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã có nghị quyết chấp thuận và phê duyệt việc bán 100% vốn điều lệ của SHB Finance cho phía đối tác “người Thái” là Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri).
Mặc dù giá trị thương vụ không được SHB công bố, song truyền thông nước ngoài đã tiết lộ số tiền mà Krungsri cần chi là khoảng 5,1 tỷ baht, tương đương khoảng 156 triệu USD, khoảng hơn 3.500 tỷ đồng.
SHB cho biết, thỏa thuận này sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn đáng kể cho cổ đông của ngân hàng, cũng như nâng cao năng lực tài chính và vị thế của SHB. Việc hoàn tất bán công ty tài chính cho đối tác ngoại là một trong những kế hoạch của SHB trong năm.
Được biết, SHB Finance có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, do SHB sở hữu 100% vốn. Tiền thân của SHB Finance là công ty tài chính Vinaconex Viettel. Trong khi đó, Krungsri là ngân hàng lớn thứ 5 tại Thái Lan và cũng là thành viên chiến lược của MUFG Group, tập đoàn đến từ Nhật Bản.
MUFG là cái tên không còn xa lạ tại thị trường Việt Nam, tập đoàn này là cổ đông chiến lược nắm giữ 20% cổ phần tại Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).
Alibaba và Baring Private Equity Asia rót 400 triệu USD vào The CrownX
Trung tuần tháng 6, Masan Group công bố đã hoàn tất phát hành 5,5% cổ phần mới của The CrownX cho nhóm các nhà đầu tư trong đó có Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia với tổng giá trị tiền mặt là 400 triệu USD. Việc ký kết giao dịch này được công bố lần đầu tiên vào ngày 18/5/2021.
The CrownX là nền tảng tiêu dùng bán lẻ hợp nhất lợi ích của Masan tại Masan Consumer Holdings và VinCommerce. Thông qua giao dịch này, The CrownX được định giá 6,9 tỷ USD (trước phát hành) cho 100% vốn chủ sở hữu, tương đương trị giá mỗi cổ phần là 93,5 USD (xấp xỉ 2,1 triệu đồng). Sau đợt phát hành này, tỷ lệ sở hữu của Masan tại The CrownX là 80,2%.
Trong khuôn khổ giao dịch này, VinCommerce sẽ thiết lập thỏa thuận hợp tác chiến lược với Lazada, nền tảng thương mại điện tử tại Đông Nam Á của Alibaba. Theo đó, VinCommerce sẽ là nhà bán lẻ nhu yếu phẩm hàng đầu trên nền tảng thương mại điện tử Lazada và hai bên sẽ cùng chia sẻ hiểu biết và kinh nghiệm để thúc đẩy nhu yếu phẩm trở thành ngành hàng chủ chốt của thương mại điện tử…
Được biết, Baring Private Equity Asia (BPEA) là một trong những quỹ đầu tư thay thế lớn nhất ở châu Á, hiện quản lý danh mục tài sản trị giá 23 tỷ USD. BPEA quản lý hoạt động đầu tư cổ phần chưa niêm yết tài trợ cho các khoản mua lại và cung cấp vốn tăng trưởng cho các công ty, giúp các công ty này mở rộng quy mô hoặc thực hiện hoạt động mua bán sáp nhập, đặc biệt là tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
SK Group đầu tư 410 triệu USD vào VinCommerce
Trước khi thương vụ Alibaba và Baring Private Equity Asia diễn ra, đầu tháng 4, SK Group (Hàn Quốc) và Masan Group cũng ký kết thuận về việc SK Group mua lại 16,26% cổ phần của VinCommerce với tổng giá trị tiền mặt là 410 triệu USD.
Ông Woncheol Park, Giám đốc đại diện của SK South East Asia Investment – công ty thành viên của SK Group, cho biết: “Chúng tôi vô cùng tin tưởng vào tiềm năng to lớn của ngành bán lẻ tích hợp online – offline (O2O) tại Việt Nam và kỳ vọng VinCommerce sẽ là một thành tố quan trọng thúc đẩy hiện đại hóa ngành bán lẻ.
“Thật tự hào khi Masan Group đã xuất sắc cải thiện vận hành và lợi nhuận chuỗi bán lẻ này trong thời gian ngắn ngủi. Chúng tôi tin rằng VinCommerce sẽ trở thành nhà bán lẻ tích hợp O2O hàng đầu Việt Nam trong tương lai.
Thỏa thuận đầu tư của SK vào VinCommerce là một phần trong chiến lược đầu tư của chúng tôi vào các lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh của Việt Nam. Một lần nữa, đây là giao dịch mang tính bước ngoặt đối với SK, tái khẳng định cam kết của chúng tôi với Masan Group và Việt Nam”, ông Woncheol Park nhấn mạnh.
KKR góp 100 triệu USD vào tập đoàn giáo dục EQuest Việt Nam
Đầu tháng 6, một trong những công ty đầu tư lớn nhất thế giới – KKR đã công bố đầu tư vào Tập đoàn Giáo dục Việt Nam EQuest.
Khoản đầu tư vào EQuest được thực hiện thông qua Quỹ KKR Global Impact, là khoản đầu tư thứ tư trên toàn cầu vào lĩnh vực phát triển giáo dục và lực lượng lao động dựa trên định hướng hỗ trợ quá trình “Học tập suốt đời” của quỹ này.
Được biết, EQuest đang vận hành một hệ sinh thái giáo dục đa dạng, tập trung vào 4 lĩnh vực: Hệ thống trường phổ thông song ngữ từ lớp 1 tới lớp 12, hệ thống trường đại học và cao đẳng dạy nghề, trung tâm đào tạo tiếng Anh, và các giải pháp công nghệ giáo dục.
Hệ thống trường phổ thông của EQuest có hơn 9.000 học sinh đang theo học tại 8 cơ sở, đã tạo được uy tín lớn tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tăng nhanh về chương trình đào tạo song ngữ chất lượng, hiệu quả cao với mức học phí hợp lý.
Hiện EQuest có hơn 110.000 học sinh, sinh viên theo học mỗi năm trên toàn hệ thống, đưa EQuest trở thành một trong những tập đoàn giáo dục tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Thaco mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Emart tại Việt Nam
Ngày 9/10, Tập đoàn Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương cho biết Tập đoàn Emart (Hàn Quốc) và Thaco đã hoàn tất việc chuyển nhượng hoạt động kinh doanh siêu thị Emart tại Việt Nam. Trước đó, ngày 25/5, hai bên đã ký kết thỏa thuận để chuyển nhượng 100% vốn và nhượng quyền độc quyền để Thaco tiếp quản hoạt động kinh doanh Emart tại thị trường Việt Nam.
Đến ngày 27/9, các bên đã hoàn tất giao dịch và Thaco chính thức trở thành chủ sở hữu mới của Emart Việt Nam. Theo tờ Korean Times của Hàn Quốc, việc Tập đoàn Emart bán toàn bộ mảng kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam cho Thaco là do doanh nghiệp đã thất bại trong việc mở rộng kinh doanh ra thị trường Đông Nam Á cho dù đã nỗ lực rất nhiều.
Sau khi thương vụ hoàn tất, siêu thị mang thương hiệu Emart vẫn sẽ tiếp tục ở lại Việt Nam theo mô hình nhượng quyền và Tập đoàn Emart sẽ thu phí nhượng quyền từ Thaco. Với thỏa thuận này, Emart kỳ vọng Thaco sẽ có thể mở rộng quy mô chuỗi Emart lên 10 siêu thị tại Đông Nam Á trong 4 năm tới.
Trong khuôn khổ hợp tác, Thaco sẽ chịu trách nhiệm điều hành, quản trị và mở rộng hệ thống siêu thị Emart tại Việt Nam. Còn Emart Hàn Quốc sẽ cử đội ngũ quản lý cấp cao và duy trì cung ứng hàng hóa nhãn hiệu riêng từ Hàn Quốc với giá cả cạnh tranh.
Tại đại hội đồng cổ đông năm 2021, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương cho biết đại siêu thị Emart mà Thaco hướng đến sẽ tích hợp showroom, đi kèm với đó là khu ẩm thực, trung tâm hội nghị, tiệc cưới,… Dự kiến doanh thu năm 2021 của hệ thống siêu thị Emart đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2020.
Masterise Group nhận chuyển nhượng nhiều lô đất “khủng” từ Vinhomes
Tháng 7, Công ty Cổ phần Phát triển Thành phố Xanh, công ty con của Vinhomes cho biết đang làm thủ tục chuyển nhượng 2 lô đất 7 ha thuộc dự án Vinhomes Grand Park cho Masterise Homes, thành viên của Masterise Group.
Hai lô đất mà Thành phố Xanh muốn chuyển nhượng có diện tích lần lượt là 37.111 m2 và 33.672 m2, tổng 70.783 m2, tương đương hơn 7 ha.
Được biết dự án Vinhomes Grand Park có quy mô 365 ha, cách trung tâm khoảng 20-25 km. Dự án gồm 71 tòa cao từ 25 đến 36 tầng, cung cấp khoảng 44.000 căn hộ cho thị trường TP.HCM.
Trong khi đó, thương hiệu bất động sản Masterise Homes thuộc Masterise Group, tiền thân là Công ty cổ phần Đầu tư Thảo Điền (Thảo Điền Investment), được thành lập vào năm 2007, nổi tiếng với dự án Khu dân cư cao cấp Masteri Thảo Điền (phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM).
Masterise Group còn là đơn vị phát triển dự án Premier Berriver 390 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng số 9 Hà Nội (Hanco 9). Dự án khởi công từ năm 2017 và bắt đầu bàn giao nhà từ quý IV/2019.
Hồi đầu năm 2021, Masterise Homes gây bất ngờ khi trở thành đơn vị phát triển của dự án One Central HCM, cao 224 m gồm 2 tòa tháp được kết nối bởi khối đế bán lẻ rộng 58.400 m2 ở khu đất tứ giác Bến Thành.
Tại thị trường phía Bắc, Masterise Homes đã mua lại 6 toà căn hộ trong Vinhomes Ocean Park tại huyện Gia Lâm, Hà Nội và phát triển thành dự án Masteri Waterfront. Hiện doanh nghiệp đang triển khai dự án Masteri West Heights nằm trong đại đô thị Vinhomes Smart City Tây Mỗ (Hà Nội).
Bamboo Capital mua lại 71% cổ phần AAA, mở đường vào Bảo hiểm
Ngày 1/10, hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Bamboo Capital (BCG) đã phê duyệt chủ trương mua lại 71% cổ phần của Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA. Hiện hai bên đang trong quá trình thương thảo và chờ Bộ Tài chính phê duyệt, giao dịch dự kiến sẽ hoàn tất trong năm nay.
Cụ thể, Bamboo Capital muốn mua hơn 79,7 triệu cổ phần của Bảo hiểm AAA, tương đương 71% vốn điều lệ với hình thức đầu tư là nhận chuyển nhượng từ cổ đông hiện hữu của AAA. Bamboo Capital cho biết số tiền dự chi là hơn 700 tỷ đồng, là một trong những bước tiếp nối các thương vụ đầu tư ở cả mảng bảo hiểm lẫn tài chính do doanh nghiệp này đang triển khai.
Trên thị trường, AAA từng được biết là cái tên gắn doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên (shark Liên). Công ty hoạt động trong lĩnh vực phi nhân thọ, shark Liên là nhà sáng lập và giữ chức vụ chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Bảo hiểm AAA cho đến đầu năm 2013 khi bán lại cổ phần chi phối cho Tập đoàn bảo hiểm IAG của Australia.
Đến cuối năm 2020, IAG nắm 80,5% cổ phần bên cạnh đó Eximbank cũng nắm hơn 5% cổ phần của IAG. Công ty hoạt động trong lĩnh vực phi nhân thọ, thị trường được tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế AM Best đánh giá triển vọng ở mức “ổn định” vào năm 2020.
Ngân hàng Nhật Mizuho chi 170 triệu USD mua 7,5% cổ phần MoMo
Mới đây, theo thông tin từ Nikkei, Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản dự kiến chi tới 20 tỷ yên (170 triệu USD) để mua lại 7,5% cổ phần của Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M-Service), đơn vị sở hữu ví điện tử MoMo.
Cũng theo Nikkei, Mizuho dự kiến tiến hành thỏa thuận trong tháng 12 này nhằm tạo đòn bẩy cho hoạt động kinh doanh bán lẻ của M-Service.
Nikkei nhận định Mizuho đã bị tụt hậu so với các đối thủ trong chính sách đầu tư ra nước ngoài, do đó ngân hàng này đang bắt đầu tích cực đầu tư vào các thị trường tiềm năng ở châu Á.
Trước đó, năm 2011, Mizuho đã đầu tư vào Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Việc đầu tư vào M-Service được kỳ vọng là sẽ giúp cả Vietcombank và MoMo tăng cường hợp tác trong thị trường bán lẻ Việt Nam trong tương lai.
Ngân hàng Nhật Bản cũng đặt mục tiêu trở thành một “tay chơi” lớn trong lĩnh vực tài chính ở Đông Nam Á khi dân số và nền kinh tế của khu vực đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Được thành lập vào năm 2007, M-Service hiện đang vận hành ứng dụng thanh toán MoMo, được hơn 23 triệu người sử dụng tại Việt Nam. Tập đoàn này đang cố gắng biến MoMo thành một siêu ứng dụng cho phép người dùng truy cập vào nhiều dịch vụ, tận dụng hơn 50% thị phần của mình.
Kido bỏ ra hơn 1.250 tỷ đồng mua 44,2 triệu cổ phần Vocarimex từ tay SCIC
Tháng 11, Tập đoàn Kido đã mua thành công hơn 44,2 triệu cổ phần Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bán đấu giá.
Mức giá trúng đấu giá của Kido là 28.400 đồng/cổ phần, tương đương tổng giá trị giao dịch hơn 1.255 tỷ đồng. Mức giá này thấp hơn thị giá của Vocarimex trên thị trường chứng khoán khoảng 22%.
Như vây, Kido chính thức nâng tỷ lệ sở hữu tại Vocarimex từ 51% lên 87,29%, ngược lại, SCIC rời ghế cổ đông của công ty dầu này sau nhiều lần thoái vốn bất thành.
Được biết, việc thoái vốn nhà nước tại Vocarimex là nút thắt trong thương vụ sáp nhập Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An (TAC) vào Tập đoàn Kido. Chủ trương sáp nhập vào công ty mẹ đã được Dầu Tường An trình ĐHCĐ thường niên vào hồi giữa năm 2020, tuy nhiên đại hội lại không thể giải quyết được nội dung này.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2021 của Dầu Tường An, ban lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết việc sau khi Vocarimex thoái xong vốn nhà nước, Dầu Tường An sẽ tiến hành tổ chức ĐHCĐ bất thường về việc sáp nhập vào Kido.
Như vậy, việc Kido mua thành công hơn 44,2 triệu cổ phiếu VOC từ SCIC dự kiến mở lối cho một thương vụ sáp nhập mới trong thời gian tới.
Nguồn: Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance
Xem thêm
Robert Half: 38% người lao động nói rằng đại dịch đã góp phần gây ra thất bại trong sự nghiệp
Thay đổi nghề nghiệp tài chính trong đại dịch
Download tài liệu Brand Finance Global 500 – 2021