Tình trạng nhiều doanh nghiệp không cố tình vi phạm thuế, mà chủ yếu là do cách hiểu giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý khác nhau đang phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh cơ quan thuế sẽ siết chặt kỷ luật thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp.

Có rất nhiều doanh nghiệp và cơ quan thuế đang gặp phải vướng mắc trong việc thực thi chính sách thuế dù mức độ tuân thủ thuế của các doanh nghiệp hiện nay đang ngày càng được nâng cao đáng kể so với trước đây. Theo ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, nguyên nhân chính xuất phát từ việc các văn bản pháp luật về thuế hiện nay có những điểm chưa rõ ràng, chưa bao quát đầy đủ các tình huống thực tế xảy ra, khiến cho việc diễn giải quy định pháp luật thường tồn tại các quan điểm khác nhau, không đồng nhất.

Ví dụ,  Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành quy định, dự án đầu tư mở rộng được lựa chọn hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo dự án đầu tư ban đầu nếu cùng lĩnh vực, địa bàn với dự án đầu tư ban đầu. Tuy nhiên, khi diễn giải quy định “cùng địa bàn”, có các cách hiểu khác nhau về vấn đề này như “cùng địa bàn địa lý” (địa bàn tỉnh, thành phố), “cùng loại địa bàn” (địa bàn khu công nghiệp, địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn).

Như vậy, để quản trị rủi ro thuế, các cơ quan thuế phải có những biện pháp sau:

Thứ nhất, ngành thuế cần kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về chính sách thuế, hướng dẫn doanh nghiệp nhận thức đầy đủ các quy định còn chưa rõ ràng trong các văn bản pháp luật thuế, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổci chính sách, chế độ thuế theo hướng rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện để đảm bảo áp dụng thống nhất giữa người nộp thuế và cơ quan thuế. Trong trường hợp quy định chưa rõ ràng, cơ quan thuế nên có cách nhìn nhận tích cực dựa vào bản chất nghiệp vụ để có những hướng dẫn linh động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế ở tất cả các khâu, các bộ phận và bằng nhiều phương thức đa dạng như qua văn bản, điện thoại, hướng dẫn trực tiếp, tổ chức các hội nghị đối thoại, nhằm hiểu rõ hơn khó khăn thực tế của người nộp thuế, cũng như giúp người nộp thuế nắm bắt kịp thời, đầy đủ thông tin, hướng dẫn về pháp luật thuế để áp dụng phù hợp.

Gần đây, việc cơ quan thuế thực hiện chủ trương hoàn thuế điện tử là một ví dụ rõ ràng nhất của việc cải cách thuế, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Bên cạnh đó, trong xu hướng của cuộc cách mạng 4.0, các dự án, đề xuất nâng cao ứng dụng về hóa đơn điện tử, thắt chặt thanh toán không dùng tiền mặt… cũng sẽ góp phần nâng cao tính minh bạch trong xử lý thông tin, gia tăng tính tuân thủ từ phía doanh nghiệp và hệ thống quản lý của cơ quan thuế.

Về phía doanh nghiệp, bản thân mỗi doanh nghiệp cần chủ động triển khai một số giải pháp sau để tránh các rủi ro từ việc không tuân thủ pháp luật thuế.

Thứ nhất, thường xuyên nghiên cứu, nắm bắt chính sách thuế; chủ động tham gia các chương trình tuyên truyền hỗ trợ, các khóa tập huấn, hội thảo, hội nghị đối thoại… do cơ quan thuế, hoặc các công ty tư vấn thuế uy tín tổ chức để cập nhật các chính sách mới được ban hành, quan điểm xử lý của cơ quan thuế đối với những vướng mắc cụ thể.

Thứ hai, chủ động kiến nghị các vướng mắc qua nhiều kênh khác nhau (trực tiếp kiến nghị qua đường công văn, hoặc kiến nghị qua các tổ chức chuyên môn như hội tư vấn thuế, hiệp hội doanh nghiệp, các công ty tư vấn…) để cơ quan thuế, Bộ Tài chính nắm được vướng mắc trong thực tiễn và có hướng sửa đổi, bổ sung chính sách, quy định thuế phù hợp.

Thứ ba, định kỳ thường xuyên tự rà soát lại hoặc mời các công ty tư vấn độc lập vào soát xét việc tuân thủ nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp mình để tìm ra các rủi ro tiềm tàng, qua đó hoàn thiện hệ thống kế toán, kiểm soát nội bộ, lưu trữ hồ sơ chứng từ cho mục đích thuế cho phù hợp với yêu cầu quản lý thực tế và tuân thủ triệt để các quy định về thuế.

Trích cuộc trao đổi Báo đầu tư Chứng khoán với ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam.

Leave us a Reply